Vận động có lợi cho sức khỏe

  Ncs, Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

  05/09/2018

  0 nhận xét

 

 

Nếu chúng ta thừa nhận vận động là một nguồn đem lại sự sống thì cần khai thác tác dụng của việc vận động. Rõ ràng vận động là một nhu cầu không kém gì nhu cầu về ăn uống, hít thở.

Người xưa từng nói: "Dòng nước không ngừng chảy thì không bị hôi bẩn như ao tù, chốt cửa luôn đóng mở thì không bị hoen gỉ". Người không hiểu đã đành, còn người đã biết rõ lợi ích của việc vận động như vậy thì vì sao nhiều khi vẫn lơ là vận động? Rất nhiều lý do: Vì công việc bận rộn, vì cuộc sống tất bật, mải chạy theo các nhu cầu của cuộc sống, kể cả những ham thích, thú vui cá nhân. Cuộc sống hiện đại có phương tiện giao thông thuận lợi, một bước lên xe, thang máy đưa lên tầng cao, máy bay vượt ngàn dặm, khiến người ta càng ít vận động.

Cuộc sống văn minh có thêm thứ "bệnh ô tô" đi đâu cũng ô tô, thân hình béo phì, nặng nề, ăn không kịp tiêu, trướng bụng, đau lưng, nhức gối. Ngồi làm việc tại chỗ, ngồi họp hết ngày nọ sang ngày kia, dán mắt vào vô tuyến, xem bóng đá, các cầu thủ họ vận động còn mình thì ngồi yên một chỗ. Một lý do khiến người ta lờ đi là tính lười biếng, sáng không muốn dậy sớm để tập thể dục, thích nằm ngồi hàng giờ mà chân tay không muốn động. Người Mỹ thường nói: "Không đâu chóng già bằng ngồi ghế bành".

Chuyên gia cho biết: "Không gì làm suy yếu và huỷ hoại cơ thể bằng tình trạng không vận động trong thời gian dài, không nên thiếu lao động, lười lao động". Lười lao động kéo dài hết ngày này qua ngày khác như một thứ bệnh mãn tính. Nó gặm nhấm sức khoẻ con người. Những buổi tập đầu có thể gây đau mỏi ít nhiều do chưa quen, sau một thời gian các chứng nhức mỏi khó chịu ấy sẽ mất đi, người tập sẽ thấy thoải mái. Khi việc luyện tập trở thành thói quen, sẽ thấy ham thích, hễ bỏ buổi tập nào tự nhiên thấy khó chịu, mệt mỏi.

Có người nói: "Tôi lao động suốt tám tiếng một ngày, cần gì phải tập thể dục". Những người làm nghề may dùng chân nhiều; người thêu thùa dùng tay nhiều, ... tuy có lao động chân tay, nhưng chỉ vận động một phần của cơ thể nên chưa gọi là vận động toàn diện. Vận động toàn diện là vận động toàn thân, từ cơ thể đến tinh thần, hai phần đều cân bằng với nhau. Các phương pháp tập luyện bài bản đều nghiên cứu đến tính toàn diện một cách khoa học, có cơ sở từ y học phương Đông, y học phương Tây. Những bài tập thể dục ấy có tác dụng tăng cường sức khoẻ, nâng cao chất lượng lao động trong ngày, tăng hiệu quả công việc, đồng thời cũng tạo ra sự khoan khoái cho tinh thần và nguồn vui trong cuộc sống, tăng chất lượng cuộc sống, đó quả thực là thang "thuốc bổ" không tốn tiền. Những người thường phàn nàn quá bận không có thời gian tập thể dục giờ đây đã có thêm động lực, bởi các nhà khoa học phát hiện chỉ 15 phút tập luyện mỗi ngày đủ để giúp bạn sống lâu hơn.

Một nhóm nghiên cứu cho biết, việc tập thể dục có thể giảm được 14% nguy cơ tử vong, và cứ thêm 15 phút vận động, tỷ lệ tử vong lại giảm được thêm 4%. Xu hướng này tiếp tục cho đến khi bạn tập thể dục khoảng tiếng rưỡi mỗi ngày. Nếu kéo dài hơn, lợi ích cũng không tăng thêm. Những vận động mạnh trong thời gian ngắn có tác dụng tương tự như việc tập luyện nhẹ nhàng trong thời gian dài. Tập thể dục cũng có hiệu quả đáng kể chống lại bệnh ung thư. Những người bị xếp vào nhóm "lười vận động" có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 11% so với nhóm chăm thể dục.

Kết quả trên là do Viện Nghiên cứu sức khỏe Đài Loan thực hiện, liên quan tới hơn 400.000 người, được kiểm tra y tế liên tục trong 12 năm. Người tham gia tuổi từ 20 trở lên, được đề nghị thông báo về mức độ vận động thể chất mỗi ngày.