Từ thế kỷ trước, Y học phương Tây, mà người ta quen gọi là "Y học hiện đại", đã trở thành Hệ thống y học chính thống ở hầu hết các quốc gia trên Thế giới, kể cả các nước Đông - Nam - Á. Thế nhưng, vài chục năm gần đây, các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên của Y học truyền thống ở phương Đông (Đông dược) ngày càng được nhiều người, ở cả phương Đông và phương Tây chú ý, ưa chuộng và sử dụng ngày càng nhiều. Vì sao có hiện tượng như vậy?
Theo chúng tôi nghĩ, đó là do Đông dược có 3 ưu điểm đặc biệt sau đây:
1. Hiệu quả đáng tin cậy
Phần lớn các vị thuốc, bài thuốc đang được sử dụng trong Đông y hiện tại, đều đã có "tuổi đời" rất cao, đã được sử dụng lặp đi lặp lại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
Thí dụ, một số vị thuốc rất quen thuộc, mọi người đều biết, như "nhân sâm", "lộc nhung", "ba kích", "nhục thung dung", "hạt ý dĩ" (ý dĩ nhân), "hạt muồng" (thảo quyết minh), "bông mã đề" (xa tiền tử ), "vừng đen" (hắc chi ma), "dành dành" (chi tử), ... đều là những vị thuốc được Đông y phát hiện, sử dụng từ thời cổ đại. Bằng chứng là, chúng đã được ghi lại trong "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y học, được soạn ra cách nay khoảng 2000 năm, trong đó ghi chép những kinh nghiệm dùng thuốc của các thời kỳ trước đó.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, những vị thuốc, bài thuốc ít tác dụng hoặc nhiều tác dụng phụ độc hại, đã bị đào thải; chỉ có những vị thuốc, bài thuốc có tác dụng chữa bệnh thực sự, mới tồn tại, lưu truyền tới ngày nay.
Như vậy, phần lớn các loại thuốc Đông dược thông dụng, đang được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng hiện đại, đều đã trải qua một quá trình thử thách, tinh luyện lâu dài. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, Đông dược không những có thể chữa khỏi được các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính, mà có thể chữa khỏi được các bệnh nan y, và cả nhiều chứng bệnh cấp tính. Chỉ cần sử dụng đúng phương pháp, nhất định sẽ có kết quả.
2. An toàn
Phần lớn các vị thuốc, sử dụng trong các bài thuốc Đông y, đều là các loại thuốc tự nhiên, có độ độc rất thấp hoặc không độc, có tác dụng tương đối bình hòa; chỉ cần sử dụng đúng quy cách, sẽ không sợ xuất hiện những tác dụng phụ bất lợi.
Đặc biệt, khá nhiều vị thuốc có thể sử dụng trong thời gian dài; rất ít khi tích lũy, gây độc hại đối với cơ thể và cũng không dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc. Đây chính là ưu điểm nổi bật, mà các thuốc hóa dược hiện đại thường không có được. Chính vì hiện tượng "bệnh do thuốc" - bệnh phát sinh do sử dụng thuốc, hiện tại có xu thế ngày càng gia tăng, nên y học thế giới ngày càng chú ý hơn tới các loại thuốc nguồn gốc thiên nhiên.
Ngoài ra, phần lớn các loại thuốc Đông dược đều được sử dụng qua đường miệng; tuy thuốc phải sắc lên để uống, mất thời gian và hơi lích kích, nhưng tránh được phiền phức khi dùng thuốc tiêm, cũng không bị đau đớn và tránh được nguy cơ lây nhiễm khi dùng kim tiêm.
Đông dược, nói chung là tương đối an toàn, nhưng cũng có một số vị thuốc có độc, thậm chí cực độc, như "ô đầu", "phụ tử", "ba đậu", "mã tiền tử", ...; khi sử dụng cần tuyệt đối tuân theo quy cách, và do thầy thuốc có kinh nghiệm thực hiện.
3. Có tác dụng điều hòa toàn thân
Coi trọng chỉnh thể (chú trọng đến vấn đề điều hòa toàn thân) là đặc điểm cơ bản nhất của Đông y học.
Do nhìn nhận cơ thể con người, như một chỉnh thể thống nhất, trong quá trình dùng thuốc chữa bệnh, Đông y không chỉ chú ý tới những triệu chứng, những biểu hiện bệnh lý cụ thể, mà tập trung sự chú ý vào việc điều chỉnh trạng thái toàn thân; không phải là "đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân".
Chính vì coi trọng điều hòa chỉnh thể, nên trên lâm sàng thường hay gặp những trường hợp đại loại: Bệnh nhân uống thuốc Đông y để chữa trị một bệnh nào đó, kết quả không chỉ bệnh đó được chữa khỏi, mà cả một số bệnh liên quan cũng thấy khỏi theo.
Thí dụ, người viết được biết một nam bệnh nhân, bị đau đầu liên tục đã 4-5 năm. Đi bệnh viện khám, chụp CT phát hiện có khối u ở mạch máu não (encaphalic angioma). Thầy thuốc khuyên sớm tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân đó rất sợ mổ xẻ và điều kiện kinh tế cũng đang khó khăn, nên đành phải tìm đến thầy thuốc Đông y. Được thầy thuốc cho uống thuốc "hoạt huyết hóa ứ" (tăng cường tuần hoàn huyết dịch, làm tan ứ tích), kết hợp với loại thuốc "bổ ích can thận" (bổ dưỡng hai tạng Can và Thận), chưa đến nửa năm, bệnh đau đầu hầu như khỏi hẳn; sau khi tiếp tục điều trị thêm 2 tháng để củng cố kết quả, đi chụp CT thấy khối u đã thu nhỏ lại nhiều. Người bệnh còn phấn khởi thổ lộ với thầy thuốc, sau khi chữa khỏi bệnh đau đầu, thì căn bệnh "dương nuy" (rối loạn cương, liệt dương), mà ông đã phải chịu đựng suốt 3 năm, cũng tự nhiên khỏi.
Thực ra, bệnh "dương nuy" ở bệnh nhân nói trên không "tự nhiên" khỏi, mà đó là kết quả điều hòa toàn thân, của những loại thuốc đã sử dụng để chữa khối u.
Lương y HUYÊN THẢO
Bình luận của bạn