Các phương pháp Đông y trị ung thư

  Ncs, Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

  10/07/2022

  0 nhận xét

 

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị và phòng bệnh nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vẫn đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Trong năm 2007 có hơn 12 triệu người mới mắc và 7,6 triệu người tử vong do ung thư, chiếm 13% tổng số tử vong. Dự đoán tới năm 2015 là 9 triệu người và đến năm 2030 là 11,4 triệu người chết do ung thư. Lượng bệnh nhân ở các nước đang phát triển gấp 3 lần các nước phát triển, tỷ lệ này đang tăng nhanh ở các nước châu Á.

Danh từ “Ung thư” trong y học cổ truyền (YHCT) dùng để chỉ các loại ung nhọt, áp xe phát sinh cấp tính có phản ứng viêm (sưng, nóng, đỏ đau), vị trí có thể giữa da và cơ, dễ làm mủ và dễ vỡ thuộc dương chứng (ung) hoặc chìm sâu bên trong giữa gân cơ và xương, sắc da tối đen, khi chưa thành mủ thì khó tiêu, khi thành mủ thì khó vỡ, khi vỡ thì khó liền miệng thuộc âm chứng (thư)

Trong các sách YHCT cổ vẫn có những từ như “thạch thư” (sách “Linh khu”) mô tả như ung thư xương, “thạch ung” (sách “Chư bệnh nguyên hậu luận”) mô tả tính chất cứng rắn có gốc liền với da như ung thư hạch. Sau thời Kim Nguyên cho đến nay thường dùng từ “Thũng lựu” để chỉ các loại ung thư nói chung. Với với loại ác tính thì dùng từ “Nham” (đá núi) vì bờ của khối u nham nhở và cứng như đá. Như vậy ung thư (cancer) trong Y học hiện đại thuộc nham chứng trong y học cổ truyền. Nhiều năm gần đây, Y học cổ truyền đã và đang đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu ung thư, từ mặt nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh đến chẩn đoán, điều trị , hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh.

1. Bệnh nguyên của nham chứng

Những tài liệu cổ đã được nhắc đến cho thấy rằng ung thư cũng đã từng được các y gia cổ đại quan tâm nghiên cứu. Hơn 3500 nămtrước dưới triều Ân, có ghi chép lại bệnh danh “lựu (bướu)” do bộ bệnh và chữ lưu hợp thành, ý nói bệnh có sự lưu lại tích tụ mà không đi.

 

Sự miêu tả các chứng “tích tụ”, “trường đàm”, “trưng hà” trong sách “Hoàng đế nội kinh” tương tự một số chứng trạng của bệnh u bướu trong y học hiện đại, ví dụ do nghẹn thức ăn không đưa xuống dưới được giống như u thực quản và môn vị gây ra triệu chứng tắc nghẽn trong y học hiện đại. Bệnh kết u trong bào cung, triệu chứng như mang thai, chậm kinh, xuất hiện ở nữ, tương tự như bệnh u xơ tử cung. Những phân tích này đặt cơ sở tốt cho sự hình thành của bệnh học ung bướu trong y học cổ truyền. Những phân tích về căn nguyên bệnh trong tác phẩm này và nhận thức về nguyên nhân sinh bệnh trong y học ngày nay cũng có những nét tương đồng. Sự hình thành khối u là quá trình tương hỗ, tiêu trưởng, đấu tranh giữa chính khí và tà khí trong nội bộ cơ thể. Chính khí suy giảm, tà khí thừa cơ xâm nhập dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng và một loạt các biến đổi vật lý khác. Theo YHCT: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”; “Tà chi sở tấu kỳ khí tất hư”. Tà độc xâm nhập cơ thể hóa hỏa, nhiệt độc thương âm gây thương dịch hư tổn. Theo YHCT, nguyên nhân gây ung thư gồm 2 nhóm: Ngoại nhân và Nội nhân

1.1. Yếu tố ngoại nhân

Ngoại nhân là 6 yếu tố thời tiết ở môi trường xung quanh khi tác động đến con người một cách thái quá hoặc nhân khi cơ thể suy yếu liền xâm nhập vào cơ thể đê gây ra bệnh gồm: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Y học cổ truyền gọi là lục dâm. Lục dâm phạm vào kinh lạc làm khí huyết bị trở trệ, lâu ngày không giải tỏa được dẫn đến kinh lạc bị ứ tắc, tà độc uất kết mà sinh bệnh. Trong sách “Linh khu-Cửu châm luận” có viết : “Gió tám hướng xâm phạm kinh lạc có thể sinh ra ung bướu”. Một số sách cổ khác của y học cổ truyền cũng thể hiện rõ điều này. Sách Y tông kim giám viết : “Hỏa ứ trệ thành độc mà gây bệnh”. Sách Linh khu-Bách bệnh sử sinh thiên viết : “ Sự ứ trệ thường do hàn gây nên, ứ trệ lâu ngày sẽ sinh u”. Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ viết: “Do phong tà hợp với độc gây nên bệnh ”. Thân Đấu Viên thời nhà Minh cho rằng : “ Người lao động cực khổ không tiếc sinh mạng, quá trình làm việc phơi nắng nóng lâu làm đau rát, tổn thương da”. Theo quan điểm của y học hiện đại cũng cho rằng ung thư da có liên quan đến việc bị tia tử ngoại chiếu vào trong thời gian dài.

Ngoài ra y học cổ truyền còn nhấn mạnh, ăn uống không điều độ là nguyên nhân quan trọng có thể sinh ra ung thư ác tính. Sách “Tố vấn-Dị pháp phương nghi luận” viết : “Ăn nhiều thức ăn có tính chất thuộc hỏa làm cho nhiệt tích ở trong, bệnh tật hay phát loại ung nhọt”.

Sự phát sinh và phát triển của Nham chứng từ quan điểm tạng tượng, chính tà có quan hệ với các yếu tố di truyền, virus, yếu tố vi lượng, dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường,..Những điều này hoàn toàn phù hợp của quan điểm của YHHĐ cho rằng hoàn cảnh sống (ngoại tà), thói quen sinh hoạt đều liên quan đến việc hình thành khối u như bức xạ mặt trời, hóa chất, chất phóng xạ, ăn uống phải thức ăn nhiễm độc thuốc trừ sâu, chất phụ gia, chất bảo quản….

1.2. Yếu tố nội nhân

Nội nhân là 7 trạng thái tình cảm của con người khi phát triển quá mức bình thường sẽ trở thành yếu tố gây bệnh: hỉ, nộ, ưu, tư, bi, kinh, khủng. Y học cổ truyền gọi là thất tình. Nội nhân chỉ chính khí suy nhược, âm dương rối loạn, khí huyết vận hành bất thường, công năng tạng phủ suy yếu. Ngoài ra nguyên nhân ăn uống cũng gây nên sự uất đọng trong kinh lạc và tạng phủ. YHCT nhấn mạnh do yếu tố bên trong gây ra chứng nham, chính khí suy nhược, ngoại tà thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ ảnh hưởng đến tà khí và lưu thông khí huyết, điều hòa âm dương mà gây ra khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng. Độc tích lâu ngày hình thành u cục. Bên cạnh đó tình trạng tinh thần căng thẳng kéo dài, thói quen ăn uống không điều độ đều là những yếu tố thuận lợi, phối hợp với nhau gây nên bệnh lý u bướu. Sách “Cách chí dư luận” có viết : “Tình chí lo lắng cáu giận ức chế, tích lũy lâu dài khiến tỳ khí tiêu hao, can khí tích trệ, lâu dần tích tụ thành hạch, sau thành nhũ nham”. Các sách khác của y học cổ truyền cũng nhấn mạnh đến vai trò của nội nhân trong quá trình hình thành nham chứng. Sách Cảnh nhạc toàn thư viết: “Ế cách (u thực quản) là do có ưu tư, uất kết ở bên trong mà thành”. Y thư “Hoạt pháp cơ yếu” có ghi: “Trượng nhân vô tích, hư nhân tắc hữu chi, tỳ vị hư nhược, khí huyết lưỡng suy, tứ thời hữu cảm, giai năng thành tích”. Điều này phù hợp với quan điểm của Y học hiện đại, cho rằng trong thời gian dài bị kích thích bởi những tâm lý bất lợi khiến chức năng miễn dịch của cơ thể suy giảm hoặc do bẩm sinh tiên thiên bất lợi nên dễ có những mầm mống ung bướu nảy sinh.

 

Một số yếu tố nội nhân cũng được coi là nguyên nhân chủ yếu trong bệnh sinh của một số loại ung thư như ung thư thực quản, ung thư môi, ung thư dạ dày. Trong sách “Y môn pháp luật” có đề cập đến một trong những nguyên nhân gây ế cách (nghẹn), hoặc phản vị (nôn) là do uống rượu quá nhiều. Sách “Y học thống chỉ” thì cho rằng nguyên nhân do ăn uống đồ cay nóng và những thức ăn khó tiêu gây tích trệ trong dạ dày, làm tổn thương trường vị. Nghiên cứu dịch tễ học ngày nay cũng đã chứng minh có mối liên quan nhất định giữa việc ăn thức ăn nóng trong một thời gian dài với sự phát bệnh ung thư thực quản.

Sách “Ngoại khoa chính tông” cho rằng nguyên nhân gây bệnh thần nham (ung thư môi) là do ăn nhiều thức ăn chiên rán. Nghiên cứu hiện nay chứng minh nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến chế độ ăn.

YHCT nhấn mạnh do yếu tố bên trong gây ra các chứng lựu, chính khí suy nhược, ngoại tà thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ ảnh hưởng đến tà khí và lưu thông khí huyết, điều hòa âm dương mà gây ra khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng. Như vậy cả hai yếu tố ngoại nhân và nội nhân phải có sự phối hợp với nhau làm cho cơ thể mất điều hòa, công năng của tạng phủ và khí huyết bị trở ngại mà sinh ra bệnh.

2. Bệnh sinh nham chứng

Y học cổ truyền quan niệm rằng cơ chế bệnh sinh của ung bướu chủ yếu gồm 4 mặt, được khái quát thành “độc, ứ, đàm, hư”. Đây chính là những kết quả của sự tương tác giữa ngoại nhân và nội nhân

2.1. Nhiệt độc

Các tác nhân gây ung thư về bản chất có thể là vật lý, hóa học, sinh học. Liên hệ với YHCT có thể thuộc các phạm trù dương tà, hỏa tà, hỏa độc, nhiệt tà, nhiệt độc. Nhiệt tà xâm phạm vào cơ thể, lâu ngày sẽ uất kết lại thành nhiệt độc.Nội thương tình chí bị uất kết cũng có thể thành hỏa. Sách “Đinh cam nhâm y án” có đề cập đến vấn đề này: “Nguồn gốc bệnh là do tình chí uất kết, uất sinh ra hỏa, uất hỏa kết hợp với ứ huyết, dinh về thất điều mà gây nên”. Hỏa nhiệt làm tổn thương khí, đốt nóng tạng phủ, tích lại bên trong lâu ngày thành khối, tân dịch gặp hỏa thành đàm, khí huyết đàm trọc bế tắc ở kinh lạc, tạng phủ kết thành bệnh.

Nhiệt độc thường gặp trong ung thư gan (can nham) với các biểu hiện như phiền nhiệt, hoàng đảm, nhiệt bức huyết vọng hành gây thổ huyết...ung thư máu (huyết chứng) với các triệu chứng chảy máu, phát ban kèm theo sốt, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khát, tiện táo hoặc có khí hư, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch sác, do nhiệt độc uẩn tích, hoặc một số ung thư khác như ung thư lưỡi (thiệt nham), ung thư dương vật (thận nham), ung thư môi (kiển thần). Pháp điều trị thường dùng là thanh nhiệt giải độc hoặc dưỡng âm thanh nhiệt.

 

2.2. Khí trệ huyết ứ

Khí huyết đóng vai trò công năng sinh lý chủ yếu của cơ thể duy trì sự sống, là cơ sở vật chất quan trọng của con người. Khi bình thường khí lưu hành không trở ngại tuần hoàn khắp các bộ phận cơ thể. Trương Trọng Cảnh nói : “Mọi sự sinh trưởng của cơ thể hoàn toàn do ở khí”. Khí huyết trong cơ thể vận hành khắp các kinh mạch tạng phủ và chi thể, thăng giáng xuất nhập, thông sướng không tắc, khí huyết nương tựa lẫn nhau, khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí, nếu khí uất, khí trệ, khí tụ sẽ gây huyết ứ, xuất hiện chứng tích tụ. Sách “Kim Quỹ thiên ngũ tạng phong hàn” viết: “Tích là bệnh của tạng, không di động, đau ở một chỗ và bệnh thường ở phần huyết do huyết ứ không thông lợi”. Trong “Y lâm cải thác” chỉ ra: “Huyết gặp hàn tắc ngưng kết thành khối, huyết gặp nhiệt tắc tạo thành khối” đã chứng minh sự hình thành khối u có liên quan đến khí trệ huyết ứ.

Vì một nguyên nhân nào đó làm cho công năng của khí mất điều hòa, dẫn đến tình trạng khí uất, khí trệ, khí tụ, lâu ngày làm cho huyết ứ trệ, tích lại thành khối, đó là hiện tượng nham chứng. Trong sách “Linh khu” viết: “Buồn rầu hay bực tức làm cho khí nghịch lên, khí nghịch lên làm cho đường vận hành của lục kinh không thông, khí ấm không vận hành, huyết bị ngưng tụ ở trong không thể tán ra được, tân dịch bít trệ lại không thấm được đến toàn thân, đọng lại lâu ngày không vận hành được, vậy là hình thành tích”.

Trên lâm sàng thấy đa số sự phát sinh phát triển của khối u có quan hệ mật thiết với khí trệ huyết ứ. Do huyết vận hành không thông sướng, ứ trệ lại, “bất thông tắc thống”, bệnh nhân có tính chất đau cố định, thời gian đau kéo dài vẫn không thay đổi, do huyết vận hành không thông hoặc huyết ứ cục bộ có thể dẫn đến sắc mặt sạm, móng cứng và da thô ráp, lưỡi có điểm huyết ứ, chất lưỡi tím, tĩnh mạch dưới lưỡi ứ huyết

Điều trị thường dùng pháp hoạt huyết hóa ứ. Trên lâm sàng khí trệ có thể dẫn đến huyết ứ, huyết ứ cũng thường kiêm cả khí trệ, cho nên thường phối hợp cùng thuốc hành khí để tăng tác dụng hoạt huyết hóa ứ.

2.3. Đàm ngưng

Tỳ là gốc của đàm, phế là cơ quan tích trữ đàm, công năng tỳ phế thất điều, tân dịch không phân bố, thủy thấp nội đình, nhiệt tà chưng đốt, dần ngưng kết lại thành đàm. Y học cổ truyền cho rằng đàm sinh bách bệnh. Người xưa cho rằng trong cơ thể người có khối tích tụ là do đàm cho nên các loại u bướu đều có liên quan đến đàm.

Có rất nhiều nguyên nhân hình thành đàm, từ tính chất của đàm có thể phân thành thấp đàm, táo đàm, nhiệt đàm, hàn đàm, phong đàm. Trong “Cảnh Nhạc toàn thư” cho rằng phế nhiệt hun đốt sinh đàm thì phải thanh nhiệt trừ đàm; táo tà thương phế, chưng đốt tân dịch thành đàm thì phải nhuận táo trừ đàm; tỳ mất kiện vận, thấp uẩn kết tạo thành đàm thì phải phối hợp thuốc kiện tỳ táo thấp; thận hư thủy tràn tạo thành đàm thì phải dùng thuốc bổ thận tráng dương; Lại thêm khí trệ dễ sinh đàm, đàm uất tất khí cơ bị trở trệ, phải dùng thuốc trừ đàm tán kết đồng thời với thuốc lý khí để khí cơ được thông sướng. Trên lâm sàng thường gặp: nhiệt đàm tại phế gây ho khạc đờm lẫn mủ máu (như trong ung thư phổi) ; tại thực quản và dạ dày gây nôn ói đờm dãi và các chất, thức ăn khó vào trong (trong ung thư thực quản, ung thư dạ dày ) ; nếu chạy lan tới lớp dưới da tạo thành hạch, tràng nhạc, bướu cổ (như ung thư tuyến giáp di căn hạch bạch huyết, ung thư vú...); đàm ẩm lan tràn, nhiệt đàm uất kết tại kinh lạc gây phù chân, bụng trướng, hoàng đảm (như gặp trong ung thư gan ) kèm theo đờm dãi khó khạc, rêu lưỡi trắng dày, mạch hoạt. Với đàm thấp ứ trệ dẫn đến chứng nham, lựu thì phải vận dụng pháp hóa đàm nhuyễn kiên, trừ đàm tán kết để điều trị.

2.4. Chính khí hư

Sách “Tố Vấn” đã viết : “Chính khí tồn nội, tà bất khả can” nhấn mạnh chính khí có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát sinh và dự phòng bệnh tật. Bệnh u ác tính xuất hiện nhanh chóng, tà độc phát tán, bệnh tình nguy hiểm, người bệnh đa phần sút cân thậm chí dẫn đến suy kiệt, xuất hiện triệu chứng âm hư, dương hư, khí hư, huyết hư. Âm dương khí huyết trong cơ thể nương tựa lẫn nhau để tồn tại, dương hư đa phần kiêm khí hư, khí hư lại dễ dẫn đến dương hư, khí hư và dương hư thường biểu hiện sự suy thoái công năng của cơ thể. Âm hư kiêm huyết hư, mà huyết hư dễ dẫn đến âm hư, huyết hư và âm hư thường biểu hiện sự hao tổn tinh huyết tân dịch của cơ thể. Khi chính khí của cơ thểđược bồi bổ, điều hòa âm dương khí huyết thì cơ thể sẽ nâng cao khả năng chống đỡ bệnh, khống chế sự phát triển của bệnh. Sách “Vệ sinh bảo giám” viết: “Nuôi dưỡng chính khí tốt thì tích tự trừ, vị khí cườngthì tích tự tiêu”. Đối với bệnh nhân ung thư, ích khí kiện tỳ và điều hòa tỳ vị chính là nội dung quan trọng của phù chính bổ hư, khi cần thiết phải cố “vị khí” vì “hữu vị tắc sinh, vô vị tắc tử.” Cho nên Trương Trọng Cảnh có nêu lên: “Tỳ vượng thì sẽ không cảm nhiễm tà khí”. Tỳ mất kiện vận là tật chung của bệnh ung thư, tiêu hao thể lực, càng thúc đẩy quá trình suy kiệt, chỉ có sự trao đổi chất ở tỳ vị làm cho nguồn “sinh hóa” không kiệt mới chịu được sức công phạt của thuốc khứ tà.

Trên lâm sàng, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đều có biểu hiện khí huyết bất túc, tỳ thận hư nhược, khả năng miễn dịch thấp hơn bình thường rất nhiều, khi điều trị nên cho các thuốc bổ ích khí huyết, kiện tỳ ích thận, từ đó sức đề kháng được nâng cao. Cơ chế bệnh sinh của khối u trên lâm sàng thường xuất hiện kết hợp của nhiều chứng trạng khác nhau. Các chứng trạng này thường phối hợp tương hỗ với nhau gây bệnh và làm cho bệnh nặng thêm. Ví dụ như khí trệ huyết ứ làm tỳ mất kiện vận, tân dịch bị đình trệ dẫn tới hình thành đàm trệ tạo điều kiện hình thành khối u. Hoặc khí trệ huyết ứ, đàm thấp trở trệ lâu ngày cũng tích tụ lại thành nhiệt độc từ đó gây ung. Các nhân tố trên ảnh hưởng qua lại lẫn nhau tạo nên vòng xoắn bệnh lý.

3. Biện chứng luận trị nham chứng

Biện chứng luận trị là phương pháp chủ yếu trong trị liệu của YHCT. Thông qua tứ chấn để tập hợp các triệu chứng, chứng trạng sau đó khái quát trên cơ sở phân tích làm rõ bệnh lý thuộc về khí hay huyết, thuộc về tạng hay phủ, thuộc về kinh lạc nào, xác định rõ giai đoạn bệnh thuộc âm hay dương, hư hay thực mà đưa ra biện pháp điều trị.

Trong điều trị ung thư, YHCT nhấn mạnh phải kết hợp giữa biện chứng và biện bệnh. Trên lâm sàng bệnh nhân ung thư thường được quy thành các nhóm chứng sau: nhóm can uất khí trệ, nhóm khí trệ huyết ứ, nhóm đàm khí ngưng kết, nhóm thấp nhiệt uẩn kết, nhóm ứ độc nhiệt kết, nhóm tỳ hư đàm thấp, nhóm khí huyết lưỡng hư, nhóm âm hư nội nhiệt và nhóm tỳ thận dương hư. Các nhóm chứng này có thể cùng xuất hiện ở trên những dạng ung thư giống nhau, ở những giai đoạn khác nhau, cũng có thể thác tạp xuất hiện ở những bệnh nhân ung thư khác nhau. Quan niệm của YHCT về bệnh ung thư là bệnh toàn thân mà biểu hiện tại chỗ: mối quan hệ giữa tại chỗ và toàn thân thể hiện tính đối lập và thống nhất của quá trình bệnh lý. Do vậy khi điều trị ung thư luôn phải quan tâm đến cải thiện tình trạng toàn thân tức là nâng cao sức đề kháng mà khống chế sự phát triển của khối u. Hai nội dung chính của biện nham luận trị là phù chính và khu tàkháng nham.

3.1. Phù chính cố bản

Phù chính cố bản chính là bổ chính khí, điều hòa khí huyết và chức năng sinh lý của tạng phủ, kinh lạc, nâng cao khả năng chống đỡ bệnh tật, tăng cường thể trạng và khả năng miễn dịch tiến tới loại trừ u bướu. Pháp phù chính bổ hư ngoài vận dụng để biện âm dương khí huyết hư suy còn biện xem hư ở tạng nào để dùng pháp điều trị thích hợp. Trong “Nạn kinh” có viết: “Phế hư tổn thì nên bổ ích phế khí, tâm hư tổn thì nên điều hòa vinh vệ, làm cho khí huyết được vận hành bình thường, tỳ hư tổn thì nên điều tiết ăn uống và luôn luôn giữ gìn cho ăn mặc được thích nghi với nóng lạnh, can hư tổn thì nên sơ can giải uất, dùng thuốc bổ để hòa hoãn ở trong, thận hư tổn thì nên bổ ích tinh khí”. Vận dụng pháp phù chính bổ hư tất phải biện luận kĩ sự thịnh suy của âm, dương, khí, huyết. Phương pháp phù chính cố bản bao gồm: kiện tỳ lý khí, dưỡng âm sinh tân, tư âm bổ huyết, ôn tỳ bổ thận.

3.1.1. Kiện tỳ lý khí:

Ích khí kiện tỳ là phép cơ bản chữa khí suy mà bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, nói nhỏ, đoản hơi, ăn ít, tự hãn, mạch vô lực, rêu lưỡi trắng mỏng và thường dùng kết hợp với thuốc bổ huyết có tác dụng bổ ích khí huyết, phù trợ chính khí, nâng cao thể trạng. Bài thuốc thường gồm các vị hoàng kỳ, nhân sâm, linh chi, bạch truật, phục linh, hoài sơn, cam thảo… Pháp này thường dùng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn II, III và sau khi hóa trị có suy giảm công năng tỳ vị

3.1.2. Ôn tỳ bổ thận:

Đây là pháp chữa thận dương hư hoặc tỳ thận bất túc biểu hiện sợ lạnh, đau mỏi lưng gối, nói ít, thở yếu, sắc mặt nhợt, tiểu nhiều, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt rêu trắng mỏng, mạch trầm. Bài thuốc gồm các vị thuốc như phụ tử chế, nhục quế, dâm dương hoắc, tỏa dương, nhục dung, ba kích…Ngoài ra căn cứ lý luận “âm dương hỗ căn” nên thường phối hợp với các thuốc bổ thận âm. Các bệnh nhân ung thư giai đoạn sau xạ trị, hóa trị hoặc người già hay ung thư vú cắt cả buồng trứng thường được áp dụng pháp điều trị này.

3.1.3. Tư âm bổ huyết:

Tư âm bổ huyết dùng trong chứng huyết hư, biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, mất ngủ, sắc mặt khô vàng, môi và móng tay trắng, đau lưng, mạch tế, thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh u bướu hoặc sau khi hóa trị. Bài thuốc có thục địa, đương quy, a giao, bạch thược, qui bản, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, đại táo, kê huyết đằng… Căn cứ vào lý luận “bổ tinh sinh huyết” nên trên lâm sàng pháp này thường được phối hợp với thuốc ích khí kiện tỳ để tăng cường hiệu quả bổ huyết.

3.1.4. Dưỡng âm sinh tân:

Pháp này có tác dụng tư dưỡng can thận và phế vị, dưỡng âm tăng dịch, dùng cho bệnh ung thư thể âm hư, ứng dụng trong quá trình hóa trị liệu xuất hiện hỏa nhiệt thiêu đốt bên trong, hao âm thương tân, như thể khí âm lưỡng hư thì phải phối hợp cùng thuốc bổ khí để ích khí dưỡng âm. Thuốc thường dùng có thiên môn đông, mạch môn, sa sâm, thạch hộc, ngọc trúc, bách hợp, tri mẫu, thiên hóa phấn...

Sức miễn dịch ở bệnh nhân ung thư giảm nên phương pháp phù chính cố bản trong YHCT có thể nâng cao sức miễn dịch của cơ thể, tác dụng tăng cường tế bào miễn dịch, giảm nhẹ tác dụng phụ trong điều trị hóa chất và xạ trị, kháng sự đột biến, có ảnh hưởng đối với acid nucleic, sự tạo thành protein, sự thay thế và sản sinh cyclic nucleotid trong tế bào. Trên lâm sàng pháp phù chính cố bản có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của bệnh nhân ung thư, giảm tác dụng phụ của hóa chất và xạ trị, ngăn ngừa di căn tái phát, nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống.

Các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm chứng minh pháp phù chínhcố bản có liên quan đến tăng cường và điều chỉnh khả năng miễn dịch của cơ thể. Trạng thái miễn dịch của cơ thể có quan hệ mật thiết đến sự phát sinh, phát triển của khối u, đặc biệt sự giảm tế bào miễn dịch và ức chế khả năng thực bào của đại thực bào là nhân tố quan trọng bên trong gây bệnh, khi khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút thường làm tăng tỉ lệ phát sinh khối u hoặc làm khối u đã có phát triển nhanh chóng. Thuốc phù chính bổ hư có thể nâng cao khả năng miễn dịch của người bệnh, thúc đẩy tác dụng của tuyến yên – tuyến thượng thận, có loại còn làm tăng cAMP (cyclic adenosine monophosphate) trong tế bào và điều tiết tỷ lệ cAMP với cGMP (cyclic guanosine monophosphate), từ đó ức chế sự sinh trưởng của khối u.

3.2. Khu tà kháng nham

Khu tà kháng nham có thể phân thành thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ, trừ đàm nhuyễn kiên, tiêu u. Đây thuộc phạm vi “dĩ độc công độc” trong YHCT.

3.2.1. Pháp thanh nhiệt giải độc

Ung thư là bệnh hiểm nghèo, khối u bị vỡ chảy máu và thấm dịch tanh hôi, vỡ khó liền, người xưa thường gọi là “ác sang”, “độc vật”, cho rằng độc tà lưu lại ở trong cơ thể, uất lâu ngày hóa nhiệt mà thành. Liên hệ với YHHĐ cũng cho thấy các tác nhân gây ung thư phần lớn thuộc dương tà, hỏa tà, nhiệt độc gây nhiệt chứng và đặc điểm của tế bào ung thư về hình thái, sinh hóa đều biểu hiện dương thịnh sinh nhiệt chứng. Nhiệt ở đây là chứng nội nhiệt, do giai đoạn phát triển bệnh khác nhau nên căn cứ thể trạng người bệnh biểu hiện những chứng trạng khác nhau mà dùng các bài thuốc cho phù hợp. Pháp thanh nhiệt giải độc có thể là trung hòa bớt các gốc tự do độc hại và đồng thời đào thải nhanh các chất độc hại qua gan, mật, ruột, thận, phổi, da bằng các loại thuốc lợi mật, nhuận tràng, lợi niệu, thông phế, giải biểu.

Phương pháp thanh nhiệt giải độc ứng dụng điều trị ung thư có thể trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời nâng cao khả năng miễn dịch, rất nhiều các thuốc trong nhóm thanh nhiệt giải độc như bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, sơn đậu căn, thất diệp nhất chi hoa…đều có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư. Bạch hoa xà thiệt thảo, kim ngân hoa, hoàng liên, hoàng cầm, xuyên tâm liên, đại thanh diệp và thanh đại …đều có tác dụng tăng cường miễn dịch không đặc thù; sơn đậu căn, thanh đại, bồ công anh, tử hoa địa đinh …có tác dụng tăng cường miễn dịch tế bào; kim ngân hoa, hoàng bá làm tăng cường miễn dịch dịch thể. Từ các thuốc này đã chiết ra rất nhiều hoạt chất có tác dụng hoặc tổng hợp các thành phần hóa học có tác dụng hạn chế sự phát triển của khối u như vinblastine, vincristine, indirubin, cantharidin … Ngoài ra, trong điều trị ung thư, nếu bệnh nhân ung thư phát sinh thêm viêm nhiễm hoặt phát nhiệt, nóng nhiệt, các thuốc này sẽ phát huy được tối đa tác dụng của chúng.

3.2.2. Pháp hoạt huyết hóa ứ

Hoạt huyết hóa ứ chỉ định cho bệnh nhân ung thư có biểu hiện huyết ứ, xuất hiện u cục, đau cố định, co cứng cơ, chất lưỡi có vết tím, tối hoặc ban tím, dưới lưỡi có mạch xanh phồng rõ, mạch huyền tế hoặc sáp. Các thuốc thường dùng là tam lăng, nga truật, xuyên khung, đan sâm, xích thược, hồng hoa, đương qui, xuyên sơn giáp, đào nhân, vương bất lưu hành, ngũ linh chi, nhũ hương, một dược, thủy điệt, ngô công, toàn yết. Những vị thuốc trên có tác dụng sơ thông kinh lạc, hành huyết tán ứ, cải thiện vi tuần hoàn, tăng tính thấm thành mạch, ức chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, từ đó thu nhỏ dần u bướu. Ngoài ra thuốc còn có những tác dụng nhất định trong điều tiết chức năng miễn dịch, tăng cường chức năng tạo máu.

 

3.2.3. Pháp trừ đàm nhuyễn kiên

Theo YHCT pháp trừ đàm nhuyễn kiên là phép trị tiêu có thể dùng cho tất cả các loại ung thư. Pháp này thường được kết hợp với pháp hành khí hoạt huyết và thùy theo tình trạng bệnh lý mà kết hợp với các pháp khác như bổ khí huyết, thanh nhiệt giải độc. Trong số các vị thuốc có tác dụng tán kết thì có vị có tác dụng hóa đàm tán kết làm hạn chế sự phát triển của khối u như xuyên bối, côn bố, hải tảo, qua lâu nhân…, có loại hóa đàm chỉ khái làm giảm ho trong bệnh lý ung thư phổi, phế quản như trúc nhự, bán hạ, nam tinh, bạch giới tử, tỳ bà diệp, tiền hồ, cát cánh…, có loại hóa đàm bình suyễn an thần như la bạc tử, bạch quả, tang bạch bì…

Phòng khám Y học cổ truyền Việt Y Đường chuyên tư vấn khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông Y

3.2.4. Pháp tiêu u phá tích tụ

Không ít các loại u bướu trong cơ thể biểu hiện thành chứng chưng hà tích tụ, lưu lại không đi, khối u ngày một to, lúc đó tà khí thịnh phải dùng pháp tiêu u nhuyễn kiên, thông lợi phá tích, để tiêu tích trệ, phá vỡ khối u ác. Pháp này thích hợp dùng với mọi loại u bướu ở giai đoạn đầu và giai đoạn giữa khi khối u đã rõ ràng, cơ thể còn mạnh khỏe, chính khí chưa hư. Nếu kèm theo chứng nhiệt độc thì phải phối thêm thuốc thanh nhiệt giải độc để tăng cường hiệu quả tiết nhiệt, nhuyễn kiên, giải độc. Thực tà chính hư thì phải phối hợp thêm thuốc bổ. Thông thường chứng tích tụ có kèm theo huyết ứ nên phối hợp thêm thuốc hoạt huyết hóa ứ. Nhóm thuốc này cũng có tác dụng nhất định để tiêu diệt tế bào ung bướu, một số thuốc như thiềm tô, ngô công dùng lượng thích hợp có thể tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng tác dụng tiêu u. Do nhóm thuốc này có tác dụng mạnh, lại đa phần có độc, có tổn hại nhất định đến chính khí của cơ thể nên khi sử dụng phải nắm chắc và chú ý về liều lượng, liệu trình điều trị. Khi tà bệnh có dấu hiệu suy giảm, cơ thể hư suy thì phải chú ý bồi bổ chính khí.

Tóm lại, dựa vào ưu thế học thuật riêng, tiếp thu sự phát triển của khoa học hiện đại, sự kết hợp giữa YHHĐ và YHCT, lấy học thuyết kinh lạc tạng phủ làm trọng tâm trong nguyên tắc biện chứng biện bệnh, thông qua kiểm chứng lâm sàng và đổi mới lý luận đã làm cho phương pháp kháng ung thư của YHCT có hiệu quả và có đặc thù riêng, làm cho nghiên cứu thuốc kháng ung thư trong YHCT ngày càng phát huy được các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm của Đông và Tây y trong điều trị ung thư.