"Công trước bổ sau" hay "công sau bổ trước" ?  

  Ncs, Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

  30/01/2019

  0 nhận xét

18001 lượt xem

1. Bài học của Lãn Ông

    Trong tập Thượng Kinh Ký Sự, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã ghi lại những tình tiết rất hấp dẫn liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc bổ, khi cụ được mời vào kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh và thế tử:

    "Quan Chánh đường vào và bảo tôi đi theo. Đột nhiên thấy ông mở một chỗ trong màn gấm rồi bước vào. Ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả. Đi qua độ năm sáu lần trướng gấm như vậy, đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cái sập thiếp vàng. Một người ngồi trên sập độ năm sáu tuổi mặc áo lụa đỏ". Cậu bé ngồi trên sập vàng đó chính là Đông cung thế tử.

 

    Sau khi chẩn mạch, Lãn Ông nghĩ: "Thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm, nên tạng phủ yếu đi. Vả lại bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, chân tay gầy gò. Đó là vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức. Nếu chỉ lo dùng thuốc công phạt, thì chỉ làm cho người thêm yếu. Bệnh thế này không bổ thì không được".

    Thế nhưng, quan Chánh đường cũng là người biết thuốc, lại nói: "Bệnh đã lâu lại không bổ được, vì dùng dương dược thì nóng, mà dùng âm dược thì trệ. Có khi phải dùng những vị thuốc phát tán mới xong! Có bệnh thì trước hết phải đuổi bệnh. Khi đã đuổi cái tà đi rồi hãy bổ, thì mới là cái phép đúng đắn nhất. Hai người tranh luận hồi lâu. Quan Chánh đường bảo: "Cụ đã có chủ ý như thế, thì cứ viết ra thành phương thuốc để dâng lên".

    Lãn Ông nghe lệnh, kê thang thuốc bổ tỳ, gồm các vị: Bạch truật, thục địa, can khương, ngũ vị; bảo đem sắc đặc, mỗi lần uống 1 muỗng hòa với nước sâm sắc đặc. Có điều, "đơn thuốc của cụ dâng lên bị các ông viện y bàn ra tán vào nên vẫn chưa được dùng. Nhưng Thánh thượng xem thì khen: "Hiểu sâu y lý và đã chuẩn y ban tứ" - về sau Lãn Ông mới được Quận hầu nói lại như vậy.

    Qua đoạn Ký Sự trên, ta có thể thấy: Lựa chọn "Thuốc công" - Thuốc tấn công bệnh hay "Thuốc bổ" - Thuốc bồi bổ cơ thể là vấn đề hết sức tinh tế. Ngay đến các danh y, ngự y còn phải nát óc.

2. "Phù chính" và "Khư tà"

    Theo Đông y: Bệnh tật là quá trình đấu tranh giữa hai thế lực đối kháng. Một bên là sức đề kháng của cơ thể, một bên là tác nhân gây bệnh. Đông y gọi các thế lực đó "chính khí" và "tà khí". "Tà khí" thắng thế thì bệnh phát triển; "chính khí" thắng thì bệnh phải lui. Chữa bệnh là thanh trừ tà khí và phù trợ chính khí, để giúp cho chính khí mạnh lên, có đủ sức để thắng tà khí, nhờ đó mà cơ thể đẩy lùi bệnh tật.

    Quá trình xua đuổi các tác nhân gây nên bệnh, trong Đông y gọi là "khư tà" - "khư" có nghĩa là tiêu trừ, trừ bỏ. Để thực hiện việc đó, người xưa sử dụng đến biện pháp gọi là "phép công" (công pháp). Cụ thể là tiến hành châm cứu vào một số huyệt vị nhất định, hoặc sử dụng những vị thuốc có tác dụng tiêu diệt hoặc tống khứ các nhân tố gây bệnh ra ngoài cơ thể. Mục đích của việc đuổi tà là giúp cho chính khí khôi phục. Vì vậy mà y gia thời xưa mới nói "tà khí bị xua đuổi thì chính khí sẽ được bình yên" (tà khứ chính tự an) hoặc "đuổi tà cũng là cách giúp đỡ chính khí" (khư tà tức dĩ phù chính).

 

 

    Để tiến hành "khư tà", Đông y thường dùng những vị thuốc có tác dụng "giải độc", "tiêu đờm", "thanh nhiệt" (làm mát), "phá huyết" (hành huyết mạnh, làm tan máu đông), "tả hạ" (thông đại tiện), "lợi thủy" (thông tiểu tiện), "giải biểu" (làm ra mồ hôi để giải cảm hoặc xua đuổi tà độc ra ngoài), ...

    Phép công thường áp dụng cho những trường hợp tà khí mạnh mà chính khí chưa suy yếu nhiều. Thí dụ, những người tương đối khỏe mạnh chẳng may bị mắc phải một bệnh nhiễm trùng, lúc đó các thầy thuốc thường dùng phép công.

    Còn quá trình bồi bổ cơ thể gọi là "phù chính" - giúp đỡ chính khí, khiến chính khí trở nên sung túc, có đủ sức chống lại tà khí. Để thực hiện việc này, Đông y sử dụng đến biện pháp gọi là "phép bổ" (bổ pháp). Cụ thể là, căn cứ vào thể trạng của bệnh nhân mà tiến hành châm cứu hoặc sử dụng những vị thuốc nhất định, nhằm bổ sung phần bị thiếu hụt, về phương diện âm dương, khí huyết, nhằm tăng cường chức năng sinh lý của tạng phủ; giúp cơ thể có đủ sức chống lại bệnh tật. Thế nên "phù chính cũng là biện pháp để đuổi tà" (phù chính dĩ đạt tà).

    Để tiến hành phù chính, thực hiện phép bổ, trên lâm sàng Đông y sử dụng những vị thuốc có tác dụng "ích khí", "dưỡng huyết", "tư âm", "trợ dương", ... Nói chung, phép bổ thích hợp với những trường hợp bệnh tình do chính khí bị suy gây nên. Thí dụ, theo Đông y, nguyên nhân chính dẫn đến sa dạ dày là "khí hư hạ hãm" (khí suy yếu, dồn xuống dưới). Vì vậy, đối với người bị sa dạ dày, Đông y thường dùng bài thuốc "bổ trung ích khí" để bổ khí và thăng đề trung khí (đẩy khí lên trên), tránh cho dạ dày khỏi bị sa xuống. Hay như người bệnh mắc phải chứng thiếu máu (huyết hư), sắc mặt nhợt nhạt, đầu choáng mắt hoa, tim đập dồn từng cơn loạn nhịp, thì sử dụng bài thuốc "tứ vật" hay "đương quy bổ huyết" để mà dưỡng huyết.

3. Bổ trước công sau

    Mục đích cuối cùng của việc chữa bệnh là tiêu trừ nhân tố gây bệnh. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện chính khí còn tương đối mạnh. Muốn tiêu diệt được quân địch phải có thực lực - muốn diệt được bệnh tà phải có chính khí. Để phát huy được tác dụng, thuốc công tà phải dựa vào sức lực của chính khí. Chính khí đã quá suy yếu, trước hết phải sử dụng đến biện pháp bổ; lúc này nếu chỉ dùng những thuốc công phạt, không những không thể xua đuổi được bệnh tà, mà còn gây nên tác dụng phụ ngoài sự mong muốn, khiến cho chính khí bị tổn thương thêm. Trường hợp bị bệnh nặng lâu ngày, trước nhất cần bồi bổ thêm cho chính khí. Sau khi cứu vớt được chính khí, mới có hi vọng xua đuổi được bệnh tà.

    Trong chuyện chữa bệnh cho thế tử, Lãn Ông đã xử lý theo nguyên tắc đó. Mặc dù quan Chánh đường cho rằng phải "công trước bổ sau", nhưng Lãn Ông đã sáng suốt lựa chọn cách "công sau bổ trước". Cụ cho rằng "nếu chỉ lo dùng thuốc công phạt, thì chỉ làm cho người thêm yếu", nên đã quyết  định "kê thang thuốc bổ tỳ, gồm các vị bạch truật, thục địa, can khương, ngũ vị; bảo đem sắc đặc, mỗi lần uống 1 muỗng hòa với nước sâm sắc đặc".

4. Công trước bổ sau

    Đối với những trường hợp bệnh tà đang mạnh và chính khí chưa suy, trước hết cần dùng thuốc mạnh để tấn công bệnh tà. Sau khi bệnh tà bị xua đuổi mới nên dùng phép bổ, giúp cơ thể mau chóng phục hồi. Như vậy là "công trước bổ sau".

    Thí dụ, có bệnh nhân N, 20 tuổi, bị đau ngực, ho, suyễn thở đã 10 ngày, về chiều lên cơn sốt, khặc ra đờm đặc. Khi vào viện khám đã phát hiện bị viêm màng phổi thể tiết dịch; dùng thuốc tân dược và hút nước 3 lần mà thủy dịch trong phổi không giảm, được chuyển sang điều trị Đông y. Ngày đầu, bệnh nhân được cho uống bài "thập táo thang" (loại thuốc công phạt mạnh), đại tiện ra đầy bô phân toàn đờm nhớt, ho suyễn giảm bớt, đỡ sốt. Cách hai ngày lại uống thêm một lần thuốc như trước, đại tiện ra rất nhiều nước, chứng trạng cải thiện rõ ràng. Tiếp đó, bệnh nhân được cho uống các loại thuốc bổ, dùng bài "linh quế truật cam" kết hợp với "nhị trần" thêm đảng sâm, hoàng kỳ sắc uống. Sau một tuần khỏi bệnh xuất viện.

5. Công bổ kiêm thi

    Trong những trường hợp chính khí đã suy yếu nặng, mà bệnh tà lại đang hoành hành, phải sử dụng đến cách "công bổ kiêm thi", tức là thực thi đồng thời cả công cả bổ.

    Thí dụ, có bệnh nhân M. 50 tuổi, bị xơ gan nặng, bụng trướng to như cái trống, chu vi lên tới 91cm. Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu tân dược và đông dược một thời gian mà bệnh không đỡ, lượng nước tiểu bài tiết không tăng, cơ thể mỗi ngày một suy nhược và bụng càng to. Khi đến chẩn trị ở khoa Đông y, các thầy thuốc đã nhận định: cơ thể bệnh nhân đã quá suy yếu, nếu chỉ sử dụng đơn thuần các loại thuốc công phạt, sẽ không thể phát huy tác dụng, vì vậy cần tiến hành "công bổ kiêm thi". Bệnh nhân được sử dụng bài thuốc gồm các vị thuốc tấn công như "bạch hoa xà thiệt thảo", "long quỳ", "đại phúc bì", ... kết hợp với các vị thuốc bổ như "đảng sâm", "bạch truật", "thiên môn đông", ... Sau khi dùng thuốc, lượng nước tiểu bài tiết trong ngày đã tăng từ 900ml lên 1600ml, bụng nhỏ bớt, các triệu chứng được cải thiện dần. Sau 3 tháng sức khỏe đã ổn định và được ra viện.

 

 

Tóm lại, "công" và "bổ" là hai biện pháp chữa bệnh có nội dung khác nhau, nhưng liên quan chặt chẽ, có tác dụng trợ giúp lẫn nhau. Phép công có nhiệm vụ tấn công tà khí, tránh cho chính khí khỏi bị tà khí làm tổn thương, tạo điều kiện bảo tồn chính khí, nhờ vậy mà chính khí mau chóng hồi phục. Phép bổ có nhiệm vụ làm tăng chính khí, giúp cho cơ thể có đủ sức kháng cự và xua đuổi bệnh tà ra ngoài.

Vấn đề nan giải nhất trong mối quan hệ giữa "công" và "bổ" là: Phải lấy bổ làm chính hay công làm chính? Công trước bổ sau hay công sau bổ trước? Hay là phải sử dụng biện pháp "công bổ kiêm thi". Trên lâm sàng, người thầy thuốc phải căn cứ vào các triệu chứng cụ thể, tiến hành đánh giá mức độ thịnh suy của tà khí và chính khí, để tìm ra giải pháp thích đáng.

Người bệnh cũng nên tự trang bị cho mình một số kiến thức liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc bổ, để có thể hợp tác được tốt với thầy thuốc trong khi chữa bệnh.

Lương y THÁI HƯ