Đông y điều trị hiệu quả thiểu năng tuần hoàn não

  Ncs, Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

  31/07/2022

  0 nhận xét

 

Thiểu năng tuần hoàn não (TNTHN), hay nói đúng hơn là thiểu năng tuần hoàn não kinh diễn, là một hội chứng bệnh lý thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. TNTHN ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, hiệu quả công việc và nguy hại hơn là có thể dẫn đến đột quỵ não gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Trong đông y không có bệnh danh TNTHN nhưng căn cứ vào các biểu hiện trên lâm sàng có thể quy vào phạm vi các chứng bệnh như đầu thống, huyễn vựng, thất miên, kiện vong, tiểu trúng phong...

 

 

1. Bệnh nguyên bệnh sinh

Có nhiều nguyên nhân gây nên TNTHN nhưng tựu trung không ngoài mấy vấn đề : Bẩm thụ tiên thiên bất túc, ẩm thực bất điều, lao lực quá độ, thất tình, cảm thụ ngoại tà, rối loạn công năng các tạng phủ và dùng thuốc bất hợp lý.

Bệnh vị tuy ở não nhưng có liên qua rất mật thiết với các tạng can, tỳ và thận. Can là tạng phong mộc, nội ký tướng hỏa, thể âm nhưng dụng dương, chủ thăng chủ động, chủ sơ tiết, những người có tố chất dương thịnh, can dương thiên kháng, kháng cực hóa hỏa sinh phong, phong thăng hỏa động, thượng nhiễu thanh khiếu mà phát thành bệnh ; hoặc giả uất ức, giận dữ kéo dài khiến can khí uất kết, uất lâu hóa hỏa làm can âm hư hao, âm hư dương vượng, phong dương thăng động, thượng nhiễu thanh khiếu mà sinh bệnh chứng. Tỳ là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh khí huyết, khi ẩm thực bất điều, lao lực quá độ hoặc can uất hoành nghịch thừa tỳ, tỳ khí hư nhược, khí huyết sút kém, khí hư khiến thanh dương bất chấn, huyết hư khiến não không được nuôi dưỡng đầy đủ, đều dẫn đến TNTHN ; hoặc giả tỳ mất kiện vận, thủy cốc không hóa thành chất tinh vi, tụ lại mà sinh đàm, đàm trọc trung trở, thanh dương bất thăng, trọc âm bất giáng, làm che phủ thanh khiếu hoặc đàm trọc uất lại lâu ngày hóa hỏa, đàm hỏa thượng phạm thanh khiếu cũng đều gây nên TNTHN. Thận là gốc của tiên thiên, tàng tinh sinh tủy, tụ tinh vào não nên gọi naoc là tủy hải (bể của tủy), nếu như thận tinh không được đầy đủ do tiên thiên bất túc, tuổi cao thận hư, phòng dục thái quá khiến tinh hư tủy giảm, não tủy thất dường mà phát sinh thành bệnh.

 

 

Bệnh tính của TNTHN là bản hư tiêu thực, bản hư là khí huyết khuy hư, can thận bất túc khiến cho thanh khiếu thất dưỡng, não tủy không đầy đủ, can phong nội động mà thành bệnh ; tiêu thực là do phong, hỏa, đàm, ứ, đàm trọc ứ trở, thăng thanh thất điều, đàm hỏa khí nghịch, thượng phạm thanh khiếu mà phát sinh bệnh chứng. Lâm sàng gọi là hư thực, tiêu bản thác tạp. Bệnh thế thời kỳ phát bệnh lấy thực chứng do phong, hỏa, đàm, ứ làm chủ ; bệnh lâu ngày và giai đoạn hồi phục lấy can, tỳ và thận hư làm chủ.

2. Điều trị

Bệnh biểu hiện lâm sàng tương đối phức tạp, vì bệnh nguyên khác nhau nênbiểu hiện lâm sàng khác nhau, triệu chứng từng giai đoạn cũng không giống nhau. Trên lâm sàng yêu cầu phải chẩn đoán rõ ràng, tùy theo chứng mà kê thuốc. Thời kỳ phát bệnh nên lấy trị tiêu làm chủ, thời kỳ bệnh lui lấy phù chính cố bản là chủ.

 

 

2.1. Biện chứng luận trị

2.1.1. Phong dương thượng nhiễu

*Chủ chứng : Chóng mặt, ù tai, đau đầu, mệt mỏi hay cáu gắt, tay chân tê bì, run, mất ngủ hay mơ, lưng gối yếu mỏi, mặt đỏ, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền tế sác.

* Trị pháp: Bình can tiềm dương, tư dưỡng can thận

 

Trân châu ngưu hoàng hoàn điều trị hiệu quả thiểu năng tuần hoàn não kéo dài dùng các thuốc không tác dụng 

 

* Phương thang : dùng Thiên ma câu đằng ẩm.

Thiên ma 12g, câu đằng 12g, sinh thạch quyết minh 24g, kỷ tử 12g, hoàng kỳ 12g, ngưu tất 15g, đỗ trọng 12g, ích mẫu 30g, tang ký sinh 12g, dạ giao đằng 20g, phục thần 10g.

Trong bài, dùng thiên ma để tức phong tiềm dương, chỉ thống và chốngchóng mặt ; câu đằng thanh nhiệt tức phong giáng hỏa, phối hợp hai vị để bình can tiềm dương ; thạch quyết minh thanh can trấn can tiềm dương ; hoàng kỳ, kỷ tử thanh can tả hỏa ; ngưu tất, đỗ trọng, tang ký sinh bổ ích can thận ; phục thần, dạ giao đằng ích huyết an thần ; ích mẫu thanh nhiệt hoạt huyết.

Gia giảm : nếu âm hư mức độ nặng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền tế sác, gia sinh địa 15g, huyền sâm 15g, hà thủ ô 30g, sinh bạch thược 15g để tư bổ can thận âm. Nếu can hỏa thịnh, chóng mặt, đau đầu nhiều, tai ù, mắt đỏ, miệng đắng, lưỡi đỏ rêu vàng khô, mạch huyền sác, gia long đởm thảo 12g, đan bì 12g, cúc hoa 15g, hạ khô thảo 15g để thanh can tả hỏa. Đại tiện táo gia đại hoàng, mang tiêu. Chóng mặt dữ dội, buồn nôn, tay chân tê bì tức là có dương động hóa phong, phong đàm thượng nhiễu gia trân châu mẫu 20g, sinh long cốt 30g, sinh mẫu lệ 30g, linh dương giác 20g, thiên trúc hoàng 12g, hải tảo 18g.

2.1.2. Can hỏa thượng viêm

* Chủ chứn g: chóng mặt đau đầu, mắt đỏ miệng đắng, ngực sườn chướng tức, phiền táo dễ cáu gắt, ngủ ít hay mơ, lưỡi đỏ rêu vàng dính, mạch huyền sác.

* Trị pháp: thanh can tả hỏa, thanh lợi thấp nhiệt

 

 

* Phương thang : dùng Long đởm tả can thang gia giảm

Long đởm thảo 12g, kỷ tử 12g, hoàng kỳ 15g, sài hồ 10g, mộc thông 6g, trạch tả 15g, sinh địa 15g, đương quy 6g, cam thảo 7g.

Trong bài, dùng long đởm thảo, kỷ tử, hoàng kỳ thanh can tả hỏa ; sài hồ, cam thảo sơ can thanh nhiệt điều trung ; mộc thông, xa tiền tử, trạch tả thanh lợi thấp nhiệt ; sinh địa, đương quy tư âm bổ huyết. Bài thuốc có tác dụng thanh can tả hỏa trừ thấp, trong thanh có dưỡng, trong tả có bổ.

Gia giảm: can hỏa nhiễu động tâm thần, mất ngủ, phiền táo gia từ thạch 20g, long xỉ 20g, chân trâu mẫu 20g để thanh can nhiệt an thần. Can hỏa hóa phong, can phong nội động, cơ thể tê bì, tay chân run rẩy dễ dẫn đến trúng phong, gia toàn yết 9g, ngô công 3 con, địa long 9g, cương tàm 9g. Nếu nhiệt thịnh thương âm dịch gia tri mẫu 12g, miết giáp 18g để dưỡng âm thanh nhiệt.

2.1.3. Đàm trọc thượng nhiễu

* Chủ chứng: đầu nặng, không minh mẫn, chóng mặt, ngực đầy khó chịu, nôn khạc đờm, rêu lưỡi trắng dính, mạch huyền hoạt

* Trị pháp: Táo thấp trừ đờm, kiện tỳ hòa vị.

 

 

* Phương thang : dùng Bán hạ bạch truật thiên ma thang gia giảm.

Bán hạ 12g, bạch truật 12g, thiên ma 12g, trần bì 12g, phục linh 12g, cam thảo 12g, mạn kinh tử 15g, bạch chỉ 15g, sinh khương 3 lát, đại táo 12g

Trong bài, dùng trần bì lý khí kiện tỳ, bán hạ giáng nghịch chỉ ẩu, cùng dùng có tác dụng táo thấp hóa đàm ; bạch linh, bạch truật kiện tỳ thẩm thấp lợi thủy ; thiên ma, mạn kinh tử, bạch chỉ tức phong chỉ huyễn ; cam thảo, sinh khương, đại táo kiện tỳ hòa vị, điều hòa vị thuốc. Bài thuốc có tác dụng táo thấp trừ đàm, kiện tỳ hòa vị.

Gia giảm: nếu nôn nhiều gia đại giả thạch 20g, trúc nhự 12g để hòa vị giáng nghịch chỉ ẩu. Nếu ngực đầy, ăn khó tiêu, bụng chướng gia bạch đậu khấu 9g, sa nhân 6g để lý khí hóa thấp kiện tỳ. Tay chân nặng nề, rêu dính gia hoắc hương 12g, thạch xương bồ 12g để tỉnh tỳ hóa thấp. Nếu tai ù nghe không rõ gia thăng ma 6g, trạch tả 15g, uất kim 12g, thạch xương bồ 9g để trừ đàm khai khiếu.

2.1.4. Thận hư

* Chủ chứng: chóng mặt hoa mắt, lưng gối đau mỏi, mệt mỏi hayquên, ngủ ít hay mơ. Nếu thiên về âm hư: ngũ tâm phiền nhiệt, gò má đỏ họng khô, lưỡi đỏ nhạt họng khô, mạch huyền tế sác. Nếu thiên về dương hư: người lạnh tay chân lạnh, sắc mặt trắng hoặc đen, lưỡi bệu nhợt, mạch trầm tế.

Trân châu ngưu hoàng hoàn hỗ trợ phòng tai biến mạch máu não và thiểu năng tuàn hoàn não 

* Trị pháp: Bổ sung tinh tủy, tư âm nếu âm hư, ôn dương nếu dương hư.

* Phương dược:

+ Trường hợp âm hư: dùng Tả quy hoàn gia giảm

Thục địa 12g, sơn thù 12g, hoài sơn 24g, kỷ tử 12g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 10g, ngưu tất 15g, miết giáp 15g, hà thủ ô 30g.

Trong bài, dùng sinh địa, sơn thù, hoài sơn tư âm bổ thận, kỷ tử, thỏ ty tử, hà thủ ô bổ ích can thận, lộc giác giao trợ thận khí ích tinh huyết, ngưu tất cường thận ích tinh, dẫn thuốc vào thận, miết giáp tư âm giáng hỏa, bổ thận tráng cốt. Bài thuốc có tác dụng tư bổ can thận, dưỡng âm ích tinh.

Gia giảm: âm hư sinh nội nhiệt gia tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, đan bì 10g để tư âm thanh nhiệt. Nêu tâm thận bất giao, mất ngủ, mơ nhiều, hay quên gia a giao 9g, kê tử hoàng (lòng đỏ trứng gà) 2 cái, toan táo nhân 20g, bá tử nhân 30g để thông tâm thận dưỡng tâm an thần. Nếu thủy bất hàm mộc, can dương thượng cang, gia các vị thuốc thanh can, bình can, dưỡng can như sinh địa, kỷ tử, bạch thược, cỏ nhọ nồi.

+ Trường hợp dương hư: dùng Hữu quy hoàn gia giảm

Thục địa 12g, hoài sơn 24g, sơn thù 12g, kỷ tử 12g, thỏ ty tử 12g, nhục quế 3-5g, phụ tử 9g, lộc giác sương10g, đương quy 12g, đỗ trọng 12g.

Trong bài, dùng phụ tử, nhục quế, lộc giác sương để ôn bổ thận dương, ích tinh bổ tủy. Thục địa, hoài sơn, sơn thù, kỷ tử, đỗ trọng để tư âm ích tinh, gia thêm đương quy để bổ huyết ích tinh.

Gia giảm: phương thang dùng phụ tử, nhục quế tính táo, không nên dùng lâu, có thể thay dùng ba kích thiên 12g, tiên linh bì 12g tính ôn nhuận để trợ dương mà không hại âm dịch. Nếu có di tinh gia khiếm thực 15g, tang phiêu tiêu 12g, phúc bồn tử 15g để cố thận sáp tinh. Nếu chóng mặt nặng bất luận âm hư hay dương hư gia long cốt 20g, mẫu lệ 20g, từ thạch 20g

2.1.5. Khí huyết hư nhược

* Chủ chứng : chóng mặt hoa mắt, tăng khi vận động, mệt mỏi hay tái phát, tinh thần ủ rũ, ngại nói, đoản khí, hồi hộp trống ngực, ăn uống không ngon miệng, sắc mặt nhợt nhạt hoặc vàng khô, móng môi không nhuận, chất lưỡi nhợt, có vết hằn răng, mạch tế nhược.

* Trị pháp : Bổ khí ích huyết, ích não

 

* Phương dược: dùng Quy tỳ thang gia giảm

Hoàng kỳ 30g, đẳng sâm 20g, bạch truật 12g, phục linh 15g, toan táo nhân 12g, viễn trí 6g, đương quy 12g, long nhãn 15g, mộc hương 6g, thăng ma 6g, thạch xương bồ 12g, cam thảo 12g, sinh khương 3 lát, đại táo 5 quả

Trong bài, dùng hoàng kỳ ích khí sinh huyết ; đương quy bổ khí hoạt huyết ; đẳng sâm, bạch truật, phục linh kiện tỳ ích khí ; long nhãn bổ huyết dưỡng tâm ; viễn chí dưỡng huyết an thần ; thăng ma, thạch xương ;cam thảo điều hoà vị thuốc. Bài thuốc có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, kiện tỳ vị.

Gia giảm : nếu khí hư vệ dương bất cố, ra nhiều mồ hôi bội hoàng kỳ 45g, gia phòng phong 12g, phù tiểu mạch 30g để bổ khí cố biểu liễm hãn. Khí hư thấp thịnh, tiêu chảy hoặc đại tiện lỏng gia ý dĩ nhân 20g, trạch tả 20g, biển đậu sao 30g, đương quy sao 10g để kiện tỳ lợi thấp. Nếu sợ lạnh, tay chân lạnh, đau bụng âm ỉ là chứng trạng dương hư gia quế chi 9g, can khương 6g. Hồi hộp trống ngực, mất ngủ gia bá tử nhân 30g, hợp hoan bì 12g để an tâm định thần. Huyết hư nặng, sắc mặt nhợt nhạt không nhuận gia thục địa 20g, a giao 12g, tử hà xa 10g để ích âm bổ huyết. Nếu trung khí bất túc, thanh dương không thăng mà chóng mặt, khí đoản, vô lực, mệt mỏi, ăn kém, mạch vô lực có thể dùng bài Bổ trung ích khí thang để bổ khí, thăng thanh giáng trọc.

2.1.6. Huyết ứ

* Chủ chứng : chóng mặt hoa mắt, đau đầu, hay quên, hồi hộp, tinh thần ủ rũ, tai ù nghe kém, mặt môi tím đen, lưỡi có ban ứ huyết hoặc điểm ứ huyết, mạch huyền sáp hoặc tế sáp.

* Trị pháp : Khứ ứ sinh tân, thông khiếu hoạt lạc.

* Phương dược: dùng Thông khiếu hoạt huyết thang gia giảm.

Xích thược 12g, xuyên khung 12g, đào nhân 12g, hồng hoa 6g, đương quy 12g, hoàng kỳ 18g, thuỷ điệt 3g, thông thiên thảo 12g, đại táo 5 quả, gừng tươi 3 lát.

Trong bài, dùng đào nhân, hồng hoa, xích thược hoạt huyết hoá ứ, thông khiếu chỉ huyễn ; xuyên khung nhập huyết phận phối hợp với đương quy dưỡng huyết hoạt huyết ; thuỷ điệt, thông thiên thảo tăng cường khả năng hoạt huyết thông khiếu ; hoàng kỳ ích khí hành khí hoạt huyết ; đại táo điều lý tỳ vị phòng các vị thuốc lý khí làm tổn thương trung khí ; gừng tươi trợ hoạt huyết khứ ứ.

Gia giảm: có thể gia thêm các vị thuốc hoạt huyết để tăng khả năng hoạt huyết thông khiếu như toàn yết, ngô công, địa long..., nếu kiêm hàn tà trở ngại kinh lạc gia quế chi, tế tân để ôn kinh thông lạc.

2.2. Các phương pháp điều trị khác.

2.2.1. Châm cứu

* Thể Phong dương thượng nhiễu : châm bình bổ bình tả các huyệt thái khê, thận du, tam âm giao, can du để tư âm bổ thuỷ. Châm tả thái xung, phong trì, hiệp khê để bình can tiềm dương.

* Thể Đàm trọc trung trở : châm bình bổ bình tả các huyệt túc tam lý, phong long, giải khê, thái bạch để kiện tỳ hoá đàm. Châm bổ thái uyên, trung quản, nội quan, chương môn, để kiện vị lý tỳ.

* Thể Thận hư : châm bổ các huyệt thận du, thái khê, tuyệt cốt, tam âm giao, túc tam lý để ích tinh bổ tuỷ. Châm bình bổ bình tả mệnh môn để trợ dương hoá khí. Châm tả đầu duy, thái dương để khư phong chỉ huyễn.

* Thể Khí huyết hư suy : châm bổ các huyệt cách du, huyết hải, tâm du, tỳ du, can du, túc tam lý để ích huyết sinh tinh. Châm bình bổ bình tả đản trung, bách hội để bổ khí huyết.

* Ngoài ra nếu mắt hay tối sầm, nhìn không rõ châm đản trung, thận du, cách du, can du để ích khí bổ huyết minh mục. Nếu tai ù, giảm thính lực châm ế phong, trung chữ, thính hội, hiệp khê, thái xung, khâu hư để khai thông khí thiếu dương kinh.

2.2.2. Chích huyết

* Thể Can dương thượng cang : Dùng kim tam lăng chích nặn máu các huyệt bách hội, đầu duy, mỗi huyệt khoảng 10 giọt, đồng thời chích nặn máu huyệt đại đôn hai bên, mỗi huyệt 5-6 giọt.

* Thể Phong hoả thượng nhiễu : Chích nặn máu các huyệt thái dương, phong trì, mỗi huyệt 6-7 giọt. Nếu phong hoả nặng nặn 10 giọt để tả hoả. Chóng mặt nhiều, chích thêm huyệt túc khiếu âm, nặn 5-6 giọt máu để tăng tác dụng tả hoả.

* Thể Đàm trọc : Chọn các huyệt đầu duy, ấn đường, lệ đoài, ẩn bạch, chích nặn mỗi huyệt 3-5 giọt máu.

2.2.3 Thuỷ châm

* Thuỷ châm các huyệt dương lăng tuyền, khâu khư hoặc huyệt trung phong, thuỷ châm hàng ngày hoặc cách nhật. Thường dùng trong thể Phong hoả thượng nhiễu.

* Thủy châm các huyệt tam âm giao, can du, bách hội, hoặc huyệt túc tam lý, huyết hải, tỳ du, thay nhau mỗi ngày một lần. Thường dùng trong thể Khí huyết hư suy.

* Thủy châm các huyệt thận du, tuyệt cốt, can du, thuỷ châm hàng ngày, dùng trong thể Tuỷ hải bất túc (thận hư).

* Thuỷ châm các huyệt phong long, trung quản, thường dùng trong thể Đàm trọc trung trở.

2.2.4. Nhĩ châm

* Thể Phong dương thượng nhiễu : chọn các huyệt can, đởm, cao huyết áp, mắt 1 và mắt 2.

* Thể Can hoả thượng viêm : dùng các huyệt can, vị, phế, mắt

 

* Thể Đàm trọc : dùng các huyệt tỳ, vị, phế, nhĩ tiêm.

* Thể Khí huyết hư nhược : dùng các huyệt thượng thận, tỳ, vị.

* Thể Thận hư : dùng các huyệt thượng thận, thận, nội tiết, vị.

Ngoài ra, ở tất cả các thể, người bệnh cần được hướng dẫn ăn uống hợp lý, tập luyện khí công, dưỡng sinh, thái cực quyền, cân ma đạt kinh, yoga…tùy theo thể trạng và mức độ bệnh lý.

Ths, Bs Hoàng Khánh Toàn