ĐÔNG Y & TÂY Y - Nhìn nhận qua lăng kính văn hóa.

  Ncs, Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

  10/12/2018

  0 nhận xét

26866 lượt xem

Đối tượng nghiên cứu của Đông y và Tây y đều là sự sống, sức khỏe và bệnh tật của con người. Mục tiêu của cả hai nền y học đều là bảo vệ sức khỏe và tìm kiếm những biện pháp chữa bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa nên đã hình thành những quan niệm về bệnh tật, những hệ thống lý luận và phương pháp vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh, ... hết sức khác nhau.

Văn hóa chính là chiếc lăng kính, qua đó con người cảm nhận về sức khỏe cũng như thái độ và phương thức ứng xử đối với bệnh tật. Nhìn qua lăng kính văn hóa có thể thấy giữa Đông y và Tây y có 3 sự khác biệt cơ bản.

1. Trước hết, Tây y là khoa học chữa bệnh có tính đối kháng, Đông y là y học có tính hóa giải.

Sự khác biệt đó có nguồn gốc sâu xa về mặt văn hóa. Từ thuở sơ khai văn minh phương Tây, sự hưng khởi của đế quốc La Mã đã gắn liền với những cuộc chinh phạt liên tiếp. Nhờ tiêu diệt hàng loạt các bộ tộc và quốc gia khác, La Mã đã trở thành một đế chế hưng thịnh trong thời cổ đại. Trong thời Trung Cổ, Thập tự chinh của Thiên Chúa giáo cũng là cuộc chiến tranh tôn giáo khốc liệt nhằm tiêu diệt những người dị giáo ... Hình thành trong cái nôi văn hóa đó nên phương thức chữa trị bệnh của Tây y cũng có tính đối kháng hết sức rõ ràng.Thuốc Tây - tức thuốc hóa dược hay tân dược, phần lớn là những thứ có tính "đối kháng", tác dụng chủ yếu là "hủy diệt" như "diệt nấm", "sát khuẩn", "kháng viêm", "chống xơ vữa", "tiêu trừ u bướu", ... Phát minh thuốc kháng sinh là thành công rực rỡ của nền y học đối kháng. Nhờ nó hàng loạt bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như thương hàn, dịch tả, dịch hạch, viêm não, ... đã bị chế phục. Tuy nhiên hiện nay, đối với những loại vi khuẩn kháng thuốc hay những bệnh do vi-rút, bệnh tâm thân, rối loạn chuyển hóa, ... phương thức đối kháng của Tây y đang gặp phải những trở lực rất khó vượt qua.

Trái ngược với văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông coi trọng "cân bằng" và "điều hòa". "Trung dung" - tức cân bằng giữa hai thái cực, được người xưa tôn vinh là tiêu chuẩn tối cao trong triết lý tu thân của bậc quân tử.

Trong quan hệ với thiên nhiên, phương Đông không chủ trương chế phục mà hướng tới sự hòa hợp – "thiên nhân hợp nhất". Trong quan hệ giữa người với người, từ ngàn năm xưa "dĩ hòa vi quý" đã trở thành phương châm xử thế cơ bản. Đặc tính văn hóa đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới quan niệm và phương pháp chữa bệnh của Đông y học.Về bệnh tật, Đông y quan niệm mọi thứ đều do "âm dương thất điều" - mất sự cân bằng và trung dung gây nên. Để chữa trị bệnh tật, Đông y sử dụng 8 biện pháp cơ bản - "hãn" (làm ra mồ hôi), "thổ" (gây nôn), "hạ" (thông đại tiện), "hòa" (hòa giải), "ôn" (làm ấm), "thanh" (làm mát), "tiêu" (tiêu thức ăn tích trệ), "bổ" (bồi bổ) để khôi phục cân bằng chỉnh thể, hóa giải mâu thuẫn giữa "chính khí" (sức chống bệnh) và "tà khí" (tác nhân gây bệnh). Trong 8 phép đó, không có biện pháp nào mang tính đối kháng, tấn công trực diện vào "bệnh tà" như trong Tây y.

Đặc biệt để thực hiện việc hóa giải có hiệu quả nhất, Đông y chủ trương "trị vị bệnh" (chữa từ khi bệnh chưa hình thành). 2000 năm trước, Nội kinh - bộ sách kinh điển của Đông y đã viết: Bậc thánh y không chờ khi bệnh hình thành rồi mới chữa trị, mà chữa từ khi chưa phát bệnh. Bệnh đã hình thành mới dùng thuốc, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới lo đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng quá muộn sao? (Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh; bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, ví do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú binh, bất diệc vãn hồ).

Do chủ trương "trị vị bệnh" nên Đông y rất coi trọng dưỡng sinh - nâng cao "chính khí", chính khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm phạm (Chính khí tồn nội, tà bất khả can). Đó cũng là tư tưởng "tướng giỏi không cần đánh mà thắng" trong Tôn Tử binh pháp (Bất chiến nhi khuất nhân chi sư).

Trong sách Nội kinh, dưỡng sinh được đặt vào vị trí tối cao, còn trị liệu chỉ được xem là biện pháp ở bình diện thấp. Tấn công trực tiếp vào "bệnh tà" chỉ được Đông y xem như biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ. "Trị vị bệnh", "phòng bệnh hơn chữa bệnh" - là chiến lược y tế vô cùng sáng suốt và là nét văn hóa độc đáo của Đông y từ ngàn năm xưa.

Ngày nay, khi phổ bệnh đang có xu hướng chuyển từ nhiễm trùng sang bệnh tâm thân, nội tiết, chuyển hóa, phương thức sống, ... thì chiến lược đó sẽ còn có giá trị thực tiễn và khoa học to lớn hơn nữa.

2. Thứ hai, Tây y là y học chữa bệnh, còn Đông y là y học chữa người.

Tây y được xây dựng trên mô hình thuần túy sinh học. Quan điểm chủ đạo trong chữa bệnh là tiêu trừ ổ bệnh, cải biến bệnh lý, thay thế và can thiệp vào hoạt động sống. Do đó, trong quá trình chữa bệnh thầy thuốc là chủ thể, người bệnh không phải chủ thể, thậm chí có khi người bệnh chỉ được xem như một thực thể giải phẫu có mang mầm bệnh. Thầy thuốc và bệnh nhân giao lưu với nhau ngày càng ít, do máy móc trang thiết bị trong bệnh viện mỗi ngày một tăng.

Đông y là nhân thuật, nên đối tượng chính của Đông y không phải là "bệnh" mà là "con người".Con người trong Đông y cùng với môi trường, vũ trụ hợp thành một chỉnh thể thống nhất, người xưa gọi đó là "Thiên nhân hợp nhất". Bản thân con người cũng là một chỉnh thể thống nhất, nên tinh thần và thể xác hợp nhất với nhau, người xưa gọi đó là "Hình thần hợp nhất".

Phương châm cơ bản của Đông y trong chữa bệnh là "lưu nhân trị bệnh" - nghĩa là trước hết phải giữ lấy mạng sống của con người, sau đó mới nghĩ tới vấn đề khống chế, tiêu trừ ổ bệnh. Mục tiêu chữa bệnh của Đông y là lập lại trạng thái "cân bằng chỉnh thể". Do đó trong quá trình chữa bệnh, Đông y coi trọng khả năng tự khôi phục và tái tạo của cơ thể con người, lấy việc huy động tiềm năng của con người làm phương châm chính. Vì vậy, bệnh nhân được coi là chủ thể, "nhân vi bản bệnh vi tiêu" - nghĩa là người là gốc, là chủ thể, bệnh chỉ là ngọn.

Chữa bệnh là chữa một con người. Quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là quan hệ giữa người với người. Chẩn đoán và điều trị là quá trình tiếp xúc và giao lưu giữa hai con người. Thiển nghĩ, điều này có lẽ hợp lý hơn và cũng nhân đạo hơn so với việc sử dụng quá nhiều thiết bị, máy móc thay cho con người.

3. Thứ ba, Tây y là một ngành khoa học mang tính quần thể, còn Đông y là ngành khoa học cá thể hóa.

Nhận thức của Tây y về bệnh tật chủ yếu căn cứ vào kết quả nghiên cứu trên một số lượng lớn bệnh nhân. Kết quả thu được là "đại lượng trung bình" có tính thống kê, đại diện cho toàn bộ quần thể, các nhân tố đặc thù và ngẫu nhiên đều bị loại bỏ. Do đó tất cả những người bị mắc cùng một bệnh, nói chung đều được chữa trị bằng cùng một loại thuốc. Thí dụ, tất cả những người bị mắc bệnh nhiễm trùng do một loại vi khuẩn nào đó gây nên, đều được sử dụng cùng những loại kháng sinh.

Trong khi đó, Đông y lại dùng thuốc tùy theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Trên lâm sàng, trăm người mắc cùng một bệnh, có thể được chữa trị bằng hàng trăm phương thuốc khác nhau. Vì phương thuốc được lập ra theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - tức phỏng theo bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh. "Phương giả phỏng dã" như y gia thời xưa thường nói.

 

 

Y học quần thể có ưu điểm là dễ chuẩn hóa và thuận tiện trong việc phổ cập, nhưng rất khó tính đến những đặc điểm ở từng người bệnh. Y học cá thể hóa có khả năng thích ứng với bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh, nhưng kết quả điều trị không ổn định, vì phụ thuộc rất nhiều vào cảm giác chủ quan của người bệnh, cũng như trình độ chuyên môn của thầy thuốc.

Như vậy, mỗi nền văn hóa đều có bản sắc riêng. Mỗi nền y học - Đông y hay Tây y đều có những ưu thế, sở trường, cũng như sở đoản. Từ khi Tây y du nhập vào nước ta đã hình thành tình thế Đông y và Tây y song song tồn tại. Trong điều kiện đó, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp về phương diện học thuật và phạm vi ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết thì kết hợp, đoàn kết Đông y và Tây y là phương châm hợp tình và hợp lý hơn cả.

 

Lương y HUYÊN THẢO

Bình luận của bạn