Khoa học Trung Quốc trực tiếp nghiên cứu thân thể người, sinh mệnh và vũ trụ, trong đó Trung y cũng là một trong những bộ phận nổi bật. Những điều kỳ diệu của Trung y thật ra cũng không phải truyền thuyết, mà đều được ghi lại trong sách sử.
Trung y thần kỳ được lưu vào sử sách. (Ảnh từ pngtree)
Câu chuyện Tôn Tư Mạc trợ giúp minh quân trong “Cựu Đường thư”
Trong “Cựu Đường thư” có ghi lại, Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên, còn được gọi là Dược vương Tôn Thiên Y, là thầy thuốc nổi tiếng thời cổ đại. Vào thời Chu Tuyên Đế, do hoàng thất xảy ra nhiều biến cố nên ông đã sống ẩn cư tại núi Thái Bạch. Tùy Văn Đế đã cố mời ông làm quan, phụ giúp việc triều chính nhưng ông đã viện cớ lâm bệnh nặng mà từ chối. Ông nói với bạn mình: “Tôi sẽ không làm việc cho triều đình. 50 năm sau sẽ có một đấng minh quân, chỉ khi đó tôi sẽ ra giúp đỡ ngài ấy”.
50 năm sau, vua Đường Thái Tông lên ngôi, trở thành vị hoàng đế được tôn sùng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Vua Đường khi mời Tôn Tư Mạc đến kinh đô đã rất ngạc nhiên bởi diện mạo trẻ trung của vị danh y này.
Đường Thái Tông nói: “Ta luôn kính trọng những người tu luyện. Hôm nay gặp được ông, quả là đã xác thực cho lòng tôn kính của ta”. Vua Thái Tông muốn phong tước vị cho Tôn Tư Mạc, nhưng ông kiên quyết từ chối. Năm Hiển Khánh thứ 4, vua Đường Cao Tông triệu kiến Tôn Tư Mạc, thỉnh mời ông làm Gián nghị đại phu, nhưng Tôn Tư Mạc vẫn kiên quyết khước từ.
Câu chuyện Tôn Tư Mạc trợ giúp minh quân trong “Cựu Đường thư”. (Ảnh: Cchatty)
Vào đầu năm Vĩnh Thuần thời Đường Cao Tông, Tôn Tư Mạc qua đời. Ông để lại di chúc rằng: “Việc mai táng cần giản dị, thờ cúng không cần đốt tiền giấy, khi bái tế cũng không nên sát sinh”. Hơn một tháng sau khi ông qua đời, khí sắc vẫn giống hệt như người còn sống. Lúc đưa thi thể của ông vào quan tài giống như khiêng một bộ y phục trống không, mọi người đã hết sức ngạc nhiên.
Tôn Tư Mạc tự mình chú giải Lão Tử, Trang Tử, sáng tác ra 30 quyển Thiên Kim Phương còn lưu hành hiện nay. Còn sáng tác ra “Phúc Lộc luận” 3 quyển, “Nhiếp sinh chân lục” 1 quyển, “Chẩm trung tố thư” 1 quyển, “Hội tam giáo luận” 1 quyển. Trong đó còn ghi lại truyền thuyết giải phẫu thi thể của Tôn Tư Mạc.
Vương Hoài Ẩn biên soạn Huệ Phương được ghi chép lại trong “Tống sử”
“Tống sử” có ghi lại: Vương Hoài Ẩn là người Tuy Dương, ban đầu là đạo sĩ ở thành Kiến Long Quan, hành nghề y, chuyên chẩn đoán bệnh. Khi đó, Tống Thái Tông trong những ngày tháng hưu nhàn có nghiên cứu y thuật, thu thập được nhiều phương pháp chữa bệnh rất hiệu nghiệm, liền hạ lệnh cho các thầy thuốc y viện hàn lâm dâng lên các bài thuốc bí truyền, cũng phái Hoài Ẩn cùng phó sứ Vương Hựu, Trịnh Cơ, ngự y Trần Chiêu Ngộ tham gia biên soạn.
Mỗi bộ sách đều lấy “Bệnh nguyên hậu luận” của Thái y lệnh Sào Nguyên Phương làm tiền đề, cùng với những phương thuốc khác viết thành 100 quyển. Tống Thái Tông tự tay viết lời tựa, đặt tên sách là “Thái Bình Thánh Huệ Phương”, đồng thời lệnh cho khắc sách lưu hành thiên hạ.
Hòa thượng Hồng Uẩn trong “Tống sử”
Theo “Tống sử”, hòa thượng Hồng Uẩn là người vùng Trường Sa. Cha mẹ ông ban đầu mãi không có con, bèn tụng kinh niệm Phật đều đặn, và sau này đã có thai, hạ sinh Hồng Uẩn. Năm 13 tuổi, Hồng Uẩn đến thăm hòa thượng Trí Ba của chùa Khai Phúc để thỉnh cầu xuất gia và học nghề y. Sau đó ông đã đến kinh đô và trở thành một thầy thuốc trứ danh.
Tống Thái Tổ đã mời Hồng Uẩn vào cung và phong ông là Quảng Lợi Đại sư. Theo yêu cầu của Tống Thái Tổ, Hồng Uẩn đã ghi chép lại hàng chục đơn thuốc y học cổ truyền. Ông cũng đến thăm Tống Chân Tông và ghi chép lại những đơn thuốc cho các loại bệnh khác nhau.
Hồng Uẩn có kỹ năng đặc biệt về bắt mạch cho bệnh nhân. Ông cũng có thể dự đoán chính xác tuổi thọ của một người. Người trong hoàng cung và các đại thần thường xuyên mời ông đến chữa trị bởi y thuật của ông rất cao minh. Đến năm Cảnh Đức thứ nhất, ông ly thế khi 68 tuổi.
Những ghi chép trong “Nguyên sử” về khả năng trị bệnh mắt của Lý Cảo
Lý Cảo. (Ảnh từ hezhengtang)
Theo “Nguyên sử”, Lý Cảo xuất thân trong gia đình phú hộ ở Chân Định và yêu thích y thuật từ khi còn nhỏ. Ông đã trả 1.000 lạng vàng theo học y thuật của danh y Trương Nguyên Tố suốt mấy năm. Lý Cảo rất giỏi trong việc chữa trị sốt thương hàn và ung nhọt, và ông có khả năng đặc biệt trong việc chữa bệnh về mắt.
Vì gia đình giàu có nên không cần hành nghề y để kiếm sống, ông chữa bệnh chỉ vì đó là sở thích. Bản tính ông thanh cao chính trực, không chịu luồn cúi bao giờ, vậy nên nếu như không phải trường hợp cấp bách thì không ai dám nhờ ông chữa trị.
Vương Thiện Phủ, một thương nhân ở Bắc Kinh làm nghề buôn bán rượu, là một trường hợp khẩn cấp như thế. Vương Thiện Phủ mắc bệnh có nhiều triệu chứng như khó đi tiểu, mắt lồi, bụng trướng và đầu gối bị cứng, ăn uống không được, không có thuốc xổ hay đơn thuốc nào hiệu quả.
Lý Cảo cuối cùng đã gặp Vương Thiện Phủ và nói với các y sinh khác: Bệnh của ông ấy đã nghiêm trọng rồi. ‘Hoàng Đế Nội Kinh’ viết rằng ruột là nơi chứa chất lỏng, cách duy nhất để chất lỏng trôi đi là làm tan khí. Thuốc xổ khiến bệnh tình nặng hơn vì nó khiến cho khí khó tan đi. Khải Huyền Tử nói: ‘Âm không thể được sinh ra cùng với dương. Dương không thể hòa tan với âm’. Thuốc xổ làm tăng dương, vì thế dương của ông ấy tăng lên nhiều, nhưng âm bị mất đi. Làm sao khí có thể tan được chứ”. Lý Cảo đã kê một đơn thuốc gồm các thảo dược thiên nhiên mang tính âm. Bệnh nhân đã được chữa lành sau khi dùng một đơn thuốc này.
Nhiều cách điều trị của Lý Cảo cũng có hiệu quả tương tự. Người đương thời xem ông là một thần y, nhiều sách y thuật của ông đã lưu truyền hậu thế.
Ghi chép trong “Minh sử” về khả năng chữa bệnh kỳ diệu của Cát Kiền Tôn
Theo “Minh sử”, Cát Kiền Tôn là người vùng Trường Châu. Cha ông, Cát Ứng Lôi, nổi tiếng là người có y thuật cao minh. Cát Kiền Tôn thân thể cao lớn. Ông thích săn bắt và trận pháp, nhưng sau đó ông lại thích đọc sách, tinh thông quy luật âm dương, quy luật tự nhiên và thiên văn.
Sau nhiều lần thất bại khoa cử, ông đã theo nghề của cha. Ông không thường xuyên chữa trị, nhưng khi chữa thì các phương pháp của ông lại hiệu quả một cách thần kỳ. Danh tiếng của ông sánh ngang với Kim Hoa và Chu Đan Khê, hai danh y cùng thời.
Cát Kiền Tôn từng được mời chữa bệnh cho một tiểu thư trong một gia đình phú hộ. Cô gái này không thể cử động tứ chi, nói chuyện hay ăn uống, dù cô có thể mở mắt. Nhiều thầy thuốc không thể chữa trị căn bệnh kỳ lạ này của cô. Cát Kiền Tôn đã bảo người nhà đem mọi thứ có mùi thơm ra khỏi phòng cô. Ông đã đào một cái hầm và đưa cô vào đó. Sau một lúc, cô gái bắt đầu cử động và nói chuyện. Cát Kiền Tôn đưa cho cô một viên thuốc, và cô gái đã có thể ra khỏi hầm vào hôm sau. Chẩn đoán của Cát Kiền Tôn là lá lách của cô gái đã bị tổn hại do mùi thơm trong phòng.
Thuật châm cứu của Chu Hán Khanh trị sâu độc
Theo “Minh sử”, Chu Hán Khanh là thầy thuốc và là nhà phẫu thuật ở vùng Tùng Dương, vốn có tài châm cứu siêu việt. Một lần, có người phụ nữ họ Mã đã mang thai 14 tháng nhưng không thể sinh nở. Nhìn cô ốm yếu và đen đúa, Chu Hán Khanh nói: “Cô không hề có thai, có sâu độc ở trong ruột của cô”. Ông đã chữa trị bằng cách châm cứu, những con sâu trông giống cá vàng được tìm thấy trong phân của cô và cô đã được chữa lành.
Một lão bà họ Từ bị động kinh nặng, tay chân bà run lẩy bẩy. Bà trần truồng đi ra ngoài, cười và hát. Chu Hán Khanh đã châm vào mỗi ngón tay của bà một mũi kim và lấy ra ít máu, triệu chứng của bà đã biến mất.
Một phụ nữ khác họ Trần có một khối u cứng trong bụng. Chu Hán Khanh nói rằng bà bị tắc nghẽn ruột. Ông hơ nóng một mũi kim và châm vào khối u, mủ chảy ra ngoài theo cây kim và bà đã được chữa lành.
Một người trẻ tuổi họ Hoàng không thể duỗi thẳng lưng và phải chống gậy để đi lại. Các thầy thuốc khác chữa trị cho anh theo triệu chứng đột quỵ, nhưng Chu Hán Khanh nói: “Đây là do bị ứ máu”. Ông đã châm một kim vào huyệt Côn Luân trên chân của bệnh nhân. Ngay lập tức người này có thể đi lại mà không cần gậy.
Ghi chép trong “Triều Dã Thiêm Tái”
Ghi chép trong “Triều Dã Thiêm Tái”. (Ảnh từ overdrive)
Những trường hợp trên là phần được ghi chép lại trong chính sử có liên quan đến y học Trung Quốc, tuy nhiên, trong các loại sách cổ khác càng có nhiều hơn những ghi chép như vậy. Chẳng hạn, trong “Triều Dã Thiêm Tái” có ghi lại: “Hách Công Cảnh đi hái thuốc ở Thái Sơn, lúc quay trở về có đi qua chợ phiên. Lúc này, một người có khả năng nhìn thấy quỷ phát hiện đám quỷ khi nhìn thấy Hách Công Cảnh thì tất cả đều bỏ chạy. Thế là người này xin cây thuốc của Hách Công Cảnh, chế thành viên thuốc giết quỷ. Có người bị trúng tà, sau khi uống thuốc này thì khỏi lại”. Thông qua điều này có thể thấy rõ được Trung y quả thật không hề tầm thường, vượt qua khoa học hiện đại.
Một ghi chép khác trong “Triều Dã Thiêm Tái”: “Ở Lạc Châu có một vị học giả mắc bệnh lạ, mỗi lần nói chuyện là trong cổ họng lại phát ra âm thanh hồi đáp. Học giả này đến hỏi người hiểu y thuật Trương Văn Trọng. Sau một đêm suy nghĩ Trương Văn Trọng đã nghĩ ra một phương pháp, chính là lấy một cuốn sách nghiên cứu thảo mộc cho vị học giả mắc bệnh này đọc. Đọc đến đâu thì những âm thanh trong cổ họng phát ra đến đó, chỉ khi đọc đến tên vị thuốc mà nó sợ thì không còn âm thanh nào nữa. Thế là Văn Trọng sao chép lại vị thuốc đó, pha chế thành thuốc viên cho vị học giả mắc bệnh uống. Sau khi uống âm thanh lập tức dừng lại”. Điều này cũng chứng tỏ nguyên nhân bệnh tật không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài.
Tuệ Tâm, theo Secret
Bình luận của bạn