Viên nang Liên hoa Thanh ôn đã trở thành một phần trong liệu trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc.
Hoàng Hà (Theo SCMP)
Một trong những liệu pháp điều trị Covid-19 tại Trung Quốc là loại thuốc cổ truyền gây tranh cãi được lấy cảm hứng từ một cuốn cẩm nang y học 1.800 tuổi. Sự phổ biến của loại thuốc – viên nang Lianhua Qingwen (Liên hoa Thanh ôn) – đã tạo ra khối tài sản khổng lồ cho công ty đứng đằng sau cũng như các cổ đông của công ty này.
Nhưng bất chấp doanh số tăng nhờ đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất thuốc cổ truyền vẫn phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn nhằm chứng minh hiệu quả của sản phẩm, duy trì thị phần trong nước và giành được sự ghi nhận tại nước ngoài.
“Doanh số bán viên nang Liên hoa Thanh ôn tăng gần gấp đôi trong quý đầu năm nay”, Wu Xiangjun, tổng giám đốc công ty dược phẩm Shijiazhuang Yiling, nhà sản xuất thuốc, chia sẻ. “Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy việc đăng ký và xuất khẩu sản phẩm”.
Thuốc Liên hoa Thanh ôn được phát triển năm 2003 để điều trị Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS), chiết xuất từ 13 loại thảo dược dựa trên đơn thuốc sẵn có từ các văn bản y khoa cổ truyền từ thời nhà Hán (206 TCN – 220).
Vào tháng 2, loại thuốc này cùng 2 công thức thuốc cổ truyền khác đã trở thành một phần liệu pháp tiêu chuẩn để điều trị bệnh nhân Covid-19 của Trung Quốc. Hiện chưa có cách chữa trị cho Covid-19.
Các nhà sản xuất thuốc cổ truyền Trung Quốc gặt hái được những kết quả tuyệt vời trong quý đầu 2020. (Ảnh: Shutterstock)
Các đại sứ quán Trung Quốc cũng gửi thuốc Liên hoa Thanh ôn, kèm theo khẩu trang và khăn lau khử trùng trong gói chăm sóc gửi cho sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài. Loại thuốc này hiện được bán với giá 24 USD trên trang thương mại điện tử eBay, cao hơn mức 25 nhân dân tệ (4 USD)/1 hộp tại Trung Quốc.
Phần nào nhờ vào sự thúc đẩy và hỗ trợ từ chính quyền, đại dịch đã khẳng định tầm quan trọng của thuốc cổ truyền trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, mặc cho những tranh cãi về tính hiệu quả. Theo các ước tính khác nhau, thuốc cổ truyền chiếm 18 - 30 % thị trường thuốc trị giá 2.000 tỷ nhân dân tệ (283 tỷ USD) của Trung Quốc.
“Sau khi đại dịch bùng phát, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu sử dụng thuốc cổ truyền để điều trị các chứng bệnh bình thường như cảm lạnh và tiêu chảy hơn", Mandy Zuo, bác sĩ làm việc tại bệnh viện công phía đông bắc thành phố Thiên Tân, cho biết.
Hệ quả là thị trường thuốc cổ truyền Trung Quốc gặt hái được những kết quả đáng kinh ngạc chỉ trong quý đầu. Điển hình, công ty dược Shijiazhuang Yiling báo cáo lợi nhuận ròng tăng 52% lên 438 triệu nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ phiếu của công ty niêm yết tại Thâm Quyến cũng tăng vọt 148% lên 30,58 nhân dân tệ trong năm nay. Kể từ cuối năm ngoái đến tháng 3 năm nay, số lượng cổ đông của công ty này cũng tăng gấp đôi lên hơn 108.000.
Công ty dược phẩm Tianjin Chase Sun, sản xuất thuốc tiêm Xuebijing, một trong 3 công thức trong bộ điều trị tiêu chuẩn, công bố doanh thu sản phẩm tăng “đáng kể” lên 178 triệu nhân dân tệ. Giá cổ phiếu của công ty cũng hưởng lợi, tăng 57 % trong năm nay.
Công ty dược phẩm Shandong Wohua, nhà sản xuất hàng loạt sản phẩm dạng bột chữa cúm, chứng kiến mức tăng 226% lợi nhuận ròng, lên 44,1 triệu nhân dân tệ.
Dù thành công là vậy, các công ty thuốc cổ truyền Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Hầu hết các nhà khoa học, bác sĩ được đào tạo tại phương Tây vẫn còn nghi ngờ tính hiệu quả của các phương thuốc truyền thống, vì chúng không thể vượt qua các thử nghiệm lâm sàng, vốn đóng vai trò minh chứng trong y học hiện đại.
Theo tạp chí khoa học uy tín Nature công bố vào tháng 6, mặc dù Bắc Kinh đã thúc đẩy hiện đại hóa các phương thuốc cổ truyền thông qua công bố các tiêu chuẩn mới nhưng vẫn không thể bù đắp cho tính thiếu khoa học.
“Nếu y học cổ truyền Trung Quốc muốn có được sự tin tưởng từ phương Tây, họ phải chứng minh được giá trị y học của mình bằng cách vượt qua các thử nghiệm lâm sàng, một tiêu chuẩn do phương Tây đặt ra và được áp dụng hầu hết trên thế giới”, theo Zhang Jialin, nhà phân tích sức khỏe tại ICBC International.
Theo thống kê từ nhà sản xuất, tính đến nay, viên nang Liên hoa Thanh ôn đã được phê duyệt lưu hành tại Brazil, Indonesia, Canada, Mozambique, Singapore, Romania, Ecuador, cũng như Hong Kong và Macau.
Xu Jingren, chủ tịch tập đoàn dược phẩm Yangzijiang, một nhà sản xuất thuốc cổ truyền có trụ sở ở tỉnh miền đông Giang Tô, cho biết sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây đồng nghĩa rằng sẽ đặc biệt khó khăn để thuốc cổ truyền Trung Quốc bước ra ngoài Trung Quốc.
Theo Cyrus Ng, chuyên gia phân tích về dược phẩm tại công ty chứng khoán Fosun Hani trụ sở Hong Kong, lĩnh vực này cùng bị suy yếu bởi các nỗ lực những năm gần đây của chính quyền Trung Quốc nhằm giảm tỷ lệ lợi nhuận bán thuốc trên lợi nhuận chung của bệnh viện. Nguyên nhân là thuốc cổ truyền thường được bổ sung trong quá trình điều trị và từng bị các bác sĩ lạm dụng để kiếm lời.
“Thái độ của chính phủ khá mâu thuẫn”, Ng nói. “Họ muốn thúc đẩy ngành công nghiệp này, nhưng mặt khác, quỹ bảo hiểm y tế quốc gia đang phải đối mặt khủng hoảng thâm hụt và sẽ phải cắt giảm chi phí bằng cách nào đó”.
Liên hệ tư vấn 0911.806.806
0 nhận xét