TÂM DƯỢC TRỊ TÂM BỆNH

  Ncs, Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

  28/01/2019

  0 nhận xét

56894 lượt xem

Nói đến "Tâm lý học sức khỏe" (Health Psychology), nhiều người thường cho rằng, đó là chuyên ngành khoa học hình thành ở phương Tây cuối Thế kỷ trước - Với cột mốc là sự kiện thành lập phân hội "Tâm lý học sức khỏe", thuộc Hội Tâm lý học Mỹ, năm 1978.

 

 

Trong Đông y, tuy không có chuyên ngành mang tên "Tâm lý học sức khỏe", nhưng từ thời xưa Đông y đã hết sức coi trọng ảnh hưởng của tâm lý đối với sức khỏe và bệnh tật. Bằng chứng tiêu biểu là, cách nay 2000 năm, sách "Nội Kinh", bộ lý luận kinh điển của Đông y, đã có những luận thuật sâu sắc về mối quan hệ giữa tâm lý và sinh lý, cũng như diễn biến bệnh lý ở con người.

1. Cơ sở lý luận : Hình thần hợp nhất

 Hãy thử cùng nghe một trích đoạn từ sách "Nội Kinh":

 - Lôi Công (thầy thuốc nổi tiếng thời cổ đại) đứng dậy vái và nói: Thần trẻ tuổi, còn hồ đồ, (...) chưa biết những biểu hiện về mặt tâm lý. Nay mong được Hoàng Đế chỉ giáo.

 - Hoàng Đế nói: Khi chẩn bệnh, cần hỏi xem bệnh nhân có phải trước kia phú quý mà về sau bần tiện hay không. Người cao quý biến thành ty tiện, tuy không nhiễm ngoại tà, bệnh vẫn sinh ra từ trong, bệnh này gọi là "thoát doanh". Còn người trước giàu sau nghèo mà phát bệnh, thì bệnh gọi là "thất tinh". Hai bệnh đó, đều là do tình chí bị uất ức, khiến khí huyết ngưng kết, thân thể suy bại dần, tích lũy lâu ngày mà thành bệnh, thậm chí tử vong. (...) Người thầy thuốc, khi chẩn trị, nếu không chú ý tới những biến động về tinh thần tình cảm, chỉ biết chữa trị theo triệu chứng, thì sẽ là không đúng với đạo, và đương nhiên ắt sẽ vô hiệu.

Từ thời "Nội kinh", Đông y đã đề xuất quan điểm "Hình thần hợp nhất": Coi cơ thể con người là một "chỉnh thể", trong đó "thần" (tâm lý, tinh thần) và "hình" (thể xác, sinh lý) là một thể thống nhất, không thể chia cắt.

 "Thần" không thể tồn tại nếu không có "hình", ngược lại "hình" mà không có thần sẽ chỉ là một cái xác chết: "Hình giả thần chi chất; thần giả hình chi dụng. Vô hình tắc thần vô dĩ sinh; vô thần tắc hình vô khả hoạt”. Tạm dịch: "Cấu trúc sinh lý (hình) là nền tảng vật chất của hoạt động tinh thần. Thần là công dụng, biểu hiện các chức năng của hình. Không có hình thì thần sẽ không tồn tại; không có thần thì thân hình chỉ là cái xác".

Con người là loài động vật có tình cảm. Trong xã hội luôn luôn tồn tại những mâu thuẫn, cuộc sống của con người có những lúc thuận buồm xuôi gió, cũng có những lúc gặp phải trắc trở, do đó không thể tránh khỏi những biến động về mặt tâm lý, lúc vui, lúc buồn, ... Chỉ cần những kích thích đó không vượt quá khả năng chịu đựng, thì không có hại đối với sức khỏe. Đó là những phản ứng có tính bản năng của con người; cũng là hình thức tự điều tiết, để duy trì cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, khi những biến động tâm lý có cường độ quá mạnh vượt quá sức chịu đựng, hoặc kéo dài quá lâu, sẽ ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh lý, khiến cho âm dương khí huyết mất điều hòa, chức năng nội tạng bị rối loạn, mà sinh ra bệnh. Nói chung, những kích thích cường liệt, như bạo nộ, đột nhiên khiếp sợ, có thể gây bệnh ngay sau đó. Còn những biến động như lo lắng, nghĩ ngợi, đau buồn, tuy không mãnh liệt, nhưng nếu cứ dai dẳng, kéo dài lâu ngày, cũng có thể sinh bệnh.

Người xưa gọi các bệnh do nhân tố tâm lý (tình chí) gây nên là "Tâm bệnh", hoặc "Tình chí bệnh". "Tình chí" (tâm lý) có thể gây bệnh, mà tình chí cũng có thể chữa khỏi bệnh. Để chữa "Tâm bệnh", cần phải sử dụng loại "Tâm dược" - "Thuốc tâm lý” - "Liệu pháp tâm lý". Như người xưa nói: "Tâm dược y tâm bệnh”, hoặc là "Tâm bệnh tâm dược y" ("y" là chữa trị). Trong không ít trường hợp, theo một nghĩa nào đó, "tâm dược" còn có vai trò quan trọng hơn cả thuốc (theo nghĩa thông thường).

 Trong y thư và sử sách, còn ghi lại nhiều y án lý thú về chuyện "Tâm dược" chữa "Tâm bệnh". Xin thuật lại vài chuyện, để cùng tham khảo.

• Trừ "rắn" cần có "rắn" trong chén

Đây là bệnh án kinh điển, sử dụng "Tâm dược" trị "Tâm bệnh", được ghi chép trong nhiều sách cổ. Sau đã trở thành thành ngữ gọi là "bôi cung xà ảnh" (cây cung trong chén rượu in hình con rắn).

Một lần Ứng Sâm mời bạn là Đỗ Nghi đến nhà uống rượu. Khi đó trên tường có treo cây cung lớn. Bóng cung trong chén rượu tựa như con rắn. Đỗ Nghi nhìn chén rượu cảm thấy e ngại, nhưng chủ nhân đang mời rất chân thành, bèn miễn cưỡng uống hết chén rượu. Về nhà, Đỗ Nghi rất hoang mang, cảm thấy bụng đầy tức, không thể ăn uống, ngày càng gầy yếu. Mời danh y, uống đủ các loại thuốc mà không kết quả, chỉ còn chờ chết. Sau đó, có lần Ứng Sâm đến, thấy như vậy rất buồn, nhưng không hiểu vì sao rượu lại có rắn, về nhà suốt đêm suy nghĩ không ngủ được. Hôm sau tỉnh dậy, vào phòng khách, bỗng nhiên thấy trên tường treo cây cung, mới hiểu rõ chân tướng sự việc, liền phái người đem xe đón Đỗ Nghi đến; lại để ngồi ở vị trí cũ và bày tiệc chiêu đãi. Đỗ Nghi nâng chén rượu lên, lại nhìn thấy "rắn", vội gọi Ứng Sâm đến xem. Ứng Sâm cười to, chỉ lên tường và nói: "Trong chén không phải rắn, mà là bóng của cây cung. Không tin, tôi bỏ cây cung xuống, trong chén sẽ không còn thấy rắn". Nói xong, bèn tháo cung xuống. Đỗ Nghi nhìn vào chén rượu, quả nhiên không còn rắn, thế là nỗi lo tan biến, nở nụ cười; về nhà nghỉ dưỡng một thời gian, chẳng bao lâu sức khỏe đã khôi phục bình thường.

Lời bàn: Chuyện trên mới nghe có vẻ hoang đường, nhưng trong cuộc sống không phải hiếm gặp. Con người ta, khi bỗng nhiên gặp phải sự lạ, chưa tìm hiểu rõ, thường dễ hiểu lầm, thậm chí tưởng tượng ra những điều quái lạ. Đối với loại "Tâm bệnh" này, chỉ khuyên bảo hay giải thích xuông, ít khi kết quả tốt. Muốn trừ con rắn ở trong đầu, cần có con "rắn" ở trong chén. Do đó, Ứng Sâm đã cho trình diễn lại toàn bộ hiện trường, đầy đủ vật chứng, để Đỗ Nghi dễ hiểu rõ chân tướng sự việc và mau khỏi bệnh.

• Bút lông cùn chữa khỏi liệt dương

Thời xưa, có công tử khôi ngô và tráng kiệng. Đến tuổi thành hôn, được kết duyên với cô gái vô cùng xinh đẹp. Nên ngày đêm mong ngóng, sao cho mau đến ngày thành hôn. Đêm tân hôn, yến tiệc chưa tan, khách chưa về hết, chàng đã kéo nàng vào động phòng. Vừa vào, chàng đã xông vào như hổ đói, muốn lâm trận ngay. Nhưng từ khi đính hôn, cô gái mới chỉ gặp mặt chàng vài ba lần, nên còn e thẹn. Vừa xấu hổ vừa sợ hãi, liền đẩy mạnh chàng ra. Đột nhiên bị cự tuyệt, lửa tình ngùn ngụt bỗng tắt ngấm, dương cụ đang bột khởi cũng mềm nhũn luôn. Sau đó, mỗi lần lâm phòng, chàng lại thấy hết sức hoang mang, dương cụ không thể nào bột khởi, vô cùng đau khổ. Chàng ngấm ngầm mua thuốc tráng dương uống, nhưng hoàn toàn không có kết quả. Cuối cùng, chỉ còn cách mời một thầy thuốc tới nhà chẩn trị.

Sau khi tìm hiểu bệnh sử, xem mạch và kiểm tra toàn diện, thầy thuốc nói: "Than đầu bút lông cùn chữa liệt dương rất hay. Nhưng phải do chính tay vợ chế và đưa cho chồng uống, mới có tác dụng". Như bắt được vàng, chàng vội bảo vợ tìm mấy cái bút lông cùn, đem đốt, rồi nghiền mịn, hòa vào rượu, lúc nhập phòng đưa cho chàng uống. Lạ thay, thuốc vừa qua miệng, bệnh liệt dương đã khỏi hoàn toàn.

 Lời bàn: Theo số liệu thống, chỉ có 10-15% liệt dương thuộc loại "khí chất" (mắc bệnh thực sự); còn 85-90% trường hợp thuộc loại "chức năng". Trong quá trình chữa trị liệt dương chức năng, sự tham gia tích cực của người vợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong việc giúp bạn đời tiêu trừ gánh nặng tâm lý, tăng thêm lòng tin.

 Người bệnh trong chuyện, thân thể vốn tráng kiện, tình dục mãnh liệt. Chỉ vì đêm tân hôn tâm lý bị chấn động quá mạnh, nên tạm thời đã bị liệt dương chức năng. Sau đó tinh thần bị ức chế, lại không được người vợ quan tâm giúp đỡ, phải ngấm ngầm mua thuốc tráng dương uống. Thầy thuốc đã phát hiện gốc bệnh, nên đã cố ý bảo người vợ tự tay chế thuốc (một cách biểu thị lòng thương yêu), nên đã giúp người chồng trút bỏ được gánh nặng tâm lý, lấy lại lòng tin. Nhờ vậy, "thuốc" đã phát huy tác dụng ngay tức thì. Thực ra, than đầu bút lông vốn không có tác dụng tráng dương; thầy thuốc chỉ sử dụng để làm chiêu bài.

Qua hai chuyện trên có thể thấy, bản lĩnh của thầy thuốc, không chỉ thể hiện trong đơn thuốc, mà còn thể hiện nhiều hơn ở bên ngoài phương thuốc.

2. Thất tình tương thắng

"Thất tình" là: Hỷ - Nộ - Ưu - Tư - Bi - Khủng - Kinh.

"Hỷ" là vui vẻ, vui sướng; "nộ" là tức giận; "ưu" là u sầu, buồn bã; "tư" là tư lự, lo nghĩ; "bi" là đau buồn, đau thương; "khủng" là sợ hãi; "kinh" là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y "thất tình" được sử dụng để chỉ 7 loại "tình chí" (tình cảm, tinh thần), có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật.

Theo quan điểm "Hình thần hợp nhất" của Đông y, hệ thống Tạng phủ trong nhân thể không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động tình chí. Mỗi loại tình chí thông ứng với một Tạng nhất định: "Kinh" và "Hỷ" thông ứng với tạng Tâm; "Nộ" ứng với tạng Can; "Tư" ứng với tạng Tỳ; "Bi" và "Ưu" ứng với tạng Phế; "Khủng" ứng với tạng Thận. Nói cách khác, tình chí là biểu hiện bên ngoài của hoạt động Tạng phủ; tựa như là chiếc "phong vũ biểu", phản ánh tình hình hoạt động của Tạng phủ bên trong cơ thể. Tạng phủ kiện toàn, thì tinh thần sáng suốt, tâm trạng thoải mái; và ngược lại, tình chí điều hòa, tâm trạng ổn định, thì nội tạng cũng sẽ kiện toàn.

 "Thất tình" là phản ứng tâm lý có tính bản năng, nói chung không có hại đối với sức khỏe. Nhưng khi thất tình biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu, thì có thể gây nên bệnh tật. Thất tình gây bệnh, ngoài cường độ và thời gian tác động, còn phụ thuộc vào tính chất từng loại tình chí. "Hỷ" là loại tình chí ít gây bệnh nhất, "nộ" gây bệnh tương đối nặng, "kinh" và "khủng" gây bệnh nhanh nhất, "ưu" và "tư" gây bệnh tương đối chậm nhưng khó chữa.

Ngoài ra, thất tình còn có xu hướng gây tổn thương đối với Tạng thông ứng với nó, như sách "Nội Kinh" đã nhận định: "Kinh, Hỷ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi, Ưu thương Phế; Khủng thương Thận". Có nghĩa là: "Kinh hãi và quá vui dễ gây tổn thương đối với tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương đối với tạng Can; tư lự suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Thận".

"Thất tình" có thể gây bệnh, nhưng cũng có thể sử dụng để chữa trị bệnh. Tình chí thông ứng với Ngũ tạng, Ngũ tạng thông ứng với Ngũ Hành. Cho nên, giữa các loại tình chí cũng có quan hệ tương sinh - tương khắc giống như Ngũ tạng và Ngũ hành. Cụ thể: Can Mộc khắc Tỳ Thổ, cho nên "nộ" có thể "thắng" (khắc chế) "tư"; Tỳ Thổ khắc Thận Thủy, nên "tư" có thể thắng "khủng"; Thận Thủy khắc Tâm Hỏa, nên "khủng" có thể thắng "hỷ"; Tâm Hỏa khắc Phế Kim, nên "hỷ" có thể thắng "bi"; Phế Kim khắc Can Mộc, nên "bi" có thể thắng "nộ".

 Giữa các loại tình chí có mối quan hệ tương khắc theo Ngũ hành như vậy, cho nên khi một loại tình chí quá khích, gây tổn thương đối với một Tạng nào đó, có thể dùng một loại tình chí khác khống chế. Chính như thiên "Âm dương ứng tượng đại luận" sách "Nội Kinh. Tố vấn" đã viết: "Bi thắng Nộ; Hỷ thắng Ưu; Khủng thắng Hỷ; Nộ thắng Tư; Tư thắng Khủng”. Nghĩa là: "Bi - đau thương lấn át, tiết chế Nộ - sự tức giận; Hỷ tiết chế được Ưu; Khủng tiết chế được Hỷ; Nộ tiết chế được Tư; Tư tiết chế được Khủng”. Người xưa gọi phương pháp sử dụng tình chí để chữa bệnh như vậy là "Tình chí tương thắng", còn gọi là "Dĩ tình thắng tình". Đó là một phương pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu, rất độc đáo của Đông y học.

3. Dĩ nộ thắng tư

Hoa Đà là thần y, y thư còn ghi lại nhiều sự việc về tài chữa bệnh của ông, song chuyện Hoa Đà dùng thuật "kích nộ" để chữa bệnh thì ít thấy nói đến. Nhưng trong bộ chính sử "Tam Quốc Chí" lại có bệnh án rất đặc biệt, kể về chuyện Hoa Đà trị bệnh cho một quận thú.

Quận thú mắc nhiều bệnh, lâu ngày tư lự, nghĩ ngợi liên miêm, chẳng còn thiết gì đến ăn uống, nên cơ thể ngày càng suy kiệt, ... Sau khi xem mạch, Hoa Đà thấy rằng, chỉ dùng "tâm thuật" mới có thể chữa khỏi được bệnh, ... Thế là, hàng ngày đòi chủ nhà phải cung phụng đủ các thứ rượu ngon, sơn hào hải vị và đòi tiền thù lao rất cao. Ngày này qua ngày khác, Hoa Đà chỉ ăn uống vui chơi, chẳng kê đơn thuốc hay châm cứu. Quận thú rất tức giận. Mấy ngày sau, bỗng Hoa Đà bỏ đi, không thèm cáo từ, còn để lại một bức thư nhục mạ thậm tệ. Quận thú nổi trận lôi đình, liền sai gia nhân đuổi bắt giết. Gia nhân trở về báo không đuổi kịp. Quận thú tức giận, thổ ra một đống máu đen, .... Thế nhưng lạ thay, sau đó bệnh giảm dần, sức khỏe ngày càng tăng tiến, ...

Sau này, Hoa Đà mới giải thích: Quận thú bị bệnh lâu ngày, tư lự quá độ, "tư tắc khí kết" (tư lự quá độ khiến khí cơ uất kết), khí kết thì huyết sẽ bị ứ đọng (huyết ứ). Chỉ có cách "kích nộ", "nộ tắc khí nghịch", tức giận kích thích khí vận hành ngược lên. Khí hành, thì huyết cũng hành. Huyết ứ sẽ theo khí nghịch lên, thổ ra ngoài và bệnh sẽ khỏi.

Thực ra, Hoa Đà chưa hề nhận tiền bạc, gia nhân cũng không đuổi theo để bắt giết. Màn kịch trên được dàn dựng chỉ nhằm đạt tới mục đích: Lấy sự tức giận để hóa giải trạng thái tư lự, theo nguyên tắc mà Đông y gọi là "dĩ nộ thắng tư". Nộ thuộc hành Mộc, tư thuộc hành Thổ; Mộc thắng (khắc chế) Thổ, nên "nộ" có thể thắng "tư". Nhờ vậy mà quận thú khỏi bệnh.

4. Dĩ hỷ thắng ưu

Sách "Cổ kim y án" có chép câu chuyện: ... Một chàng trai vừa thi đỗ tú tài, đột nhiên vợ chết, ưu sầu than khóc suốt ngày, lâu ngày sinh bệnh. Thầy mời đến đã nhiều, thuốc uống đã đủ loại, mà bệnh không đỡ. Sau được danh y Chu Đan Khê xem mạch và bảo: "Mạch của anh là "hỉ mạch" (mạch phụ nữ mang thai), xem chừng đã được vài ba tháng, ...". Chàng trai liền ôm bụng cười và nói: "Ông là danh y mà không hiểu, nam và nữ có chỗ khác nhau hay sao? Thật chẳng khác gì bọn lang y tầm thường!". Sau đó, mỗi lần nghĩ đến chuyện này, chàng trai lại khoái chí cười vang, thường lấy đó làm trò tiêu khiển cùng bạn hữu. Ngày tháng trôi qua và bệnh khỏi lúc nào không biết.

Khi ấy, Chu Đan Khê mới giảng cho chàng tú tài kia cái nguyên lý "dĩ hỉ thắng ưu"" - lấy vui thắng buồn, cũng là lấy hành Hỏa để khắc chế hành Kim vậy.

Ưu sầu - trầm uất là trạng thái sa sút nghiêm trọng về tinh thần. Theo Đông y: "Ưu thương Phế", ưu khiến cho Phế khí kết tụ - Phế khí thu tán, thăng giáng thất thường, mất điều hòa. Tạng Phế bị bệnh ("ưu thương phế"), dần dần dẫn đến các chứng trạng toàn thân; chức năng miễn dịch bị suy giảm. Những phụ nữ hay u sầu, thường dễ mắc chứng kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng và nhiều loại bệnh phụ khoa khác. Để chữa trị những chứng bệnh nói trên, sử dụng "hỷ lạc liệu pháp", theo nguyên tắc "dĩ hỷ thắng ưu", trong nhiều trường hợp, còn có tác dụng mạnh hơn là dùng thuốc thuốc đơn thuần.

5. Dĩ khủng thắng hỷ

Sách "Hồi kê y thư" có câu chuyện: Một thư sinh nghèo, sau nhiều năm đèn sách, đã đỗ trạng nguyên và được vua phong cho một chức quan cao. Do quá cao hứng, sinh ra mất ngủ và trên đường về nhà, tưởng tượng cảnh "áo gấm vinh quy" sung sướng quá, bỗng nhiễn bị phát bệnh; tình chí thất thường, suốt ngày cứ lẩm bẩm một mình, đá chân múa tay lung tung, khóc cười vô cớ, ... Tùy tùng liền vội mời một vị danh y đến chẩn trị.

Sau khi xem mạch, vị danh y thất sắc, giọng đau buồn nói với bệnh nhân: "Bệnh của trạng nguyên không thể chữa được nữa rồi, e rằng khó có thể qua nổi 7 ngày. Ngài nên cố đi cho thật nhanh về nhà, để gặp mặt người thân lần cuối".

 Nghe xong, trạng nguyên rất sợ hãi, toàn thân toát mồ hôi lạnh, ngã lăn xuống đất. Tùy tùng đưa lên kiệu, ngày đêm chăm sóc, cho xe đi thật nhanh để kịp về quê. Hôm sau tỉnh dậy, trạng nguyên cảm thấy niềm vui bấy lâu nay đã tan biến, suốt ngày chỉ lo sợ không kịp về gặp mặt người thân lần cuối.

Thế nhưng, 7 ngày sau về đến nhà, không những không chết, mà bệnh khỏi, cử chỉ và hành vi hoàn toàn bình thường. Chính lúc vị tân khoa đang hoài nghi, nghĩ rằng thầy thuốc chẩn đoán sai, thì tùy tùng mang đến một bức thư. Mở ra xem thấy viết: "Đại nhân trúng trạng nguyên, được phong chức cao, quá cao hứng, không thể tự khống chế, tâm thần thác loạn. Loại bệnh này sử dụng thuốc không thể chữa được. Cho nên tôi đã cả gan lấy cái chết ra để đe dọa, khiến ngài khiếp sợ. Làm thế chỉ là để chữa bệnh cho ngài, mong được lượng thứ. Nay bệnh đã khỏi, không còn gì phải lo ngại nữa”.

 Trong "thất tình", hỷ (vui) là một kích thích có lợi. Thông thường, tinh thần vui vẻ lạc quan rất có ích đối với sức khỏe. Vui vẻ, rất ít khi làm cho con người sinh bệnh. Tuy nhiên, vui đột ngột, vui quá mức, như điên như dại, thì "lạc cực sinh bi", có thể làm cho tạng Tâm bị tổn thương, thần chí mất cân bằng, khí huyết bị rối loạn, thậm chí có thể làm chết người.

Để chữa trị, Đông y thường áp dụng "kinh khủng liệu pháp” theo nguyên lý "dĩ khủng thắng hỷ”; lấy sự sợ hãi để tiết chế trạng thái quá vui. Đối với con người, không gì đáng sợ bằng cái chết; nhất là đối với những người đang giầu sang, quyền cao chức trọng. Để "dĩ khủng thắng hỷ”, y gia thời xưa thường hay dùng cái chết để đe dọa; nói chung thường kiến hiệu như thần.

Lương y THÁI HƯ 

Bình luận của bạn